Tìm kiếm theo cụm từ
Chi tiết đề tài

Thông tin chung

Tên đề tài (*) NGHIÊN CỨU CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG TỚI THOÁT NGHÈO VÀ TÁI NGHÈO CỦA HỘ NÔNG DÂN TẠI KHU VỰC MIỀN NÚI TỈNH THÁI NGUYÊN.
Cơ quan chủ trì Đại học Thái Nguyên
Cơ quan thực hiện Đại học Kinh tế và QTKD
Loại đề tài Đề tài cấp đại học
Lĩnh vực nghiên cứu Kinh tế học
Chủ nhiệm(*) Đồng Văn Đạt
Ngày bắt đầu 01/2016
Ngày kết thúc 12/2017

Tổng quan

Thực tiễn diễn ra trên thế giới: Theo kết quả nghiên cứu của Benedito Cunguara và Kei Kajisa tại tỉnh Zambezia và Sofala của Mô – zăm –bích, năm 2002 và 2005, các yếu tố: hộ có nguồn thu nhập phi nông nghiệp; chủ hộ có số năm đi học cao hơn hẳn so với các hộ nghèo, quy mô diện tích đất mà hộ nắm giữ và chấp nhận tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất là những hộ thoát nghèo hoặc những hộ có điều kiện như trên là những hộ thuộc nhóm không phải là hộ nghèo. Những hộ có cơ cấu thu nhập từ họat động phi nông nghiệp càng lớn, càng có khả  năng thoát nghèo. Kết quả này là phù hợp với nghiên cứu thực tế tại vùng cận Sahara – Châu Phi, cái đó nhấn mạnh tầm quan trọng của thu nhập phi nông nghiệp trong việc giảm nghèo (Reardon và cộng sự, 2007).

Các kết quả được trình bày từ nghiên cứu thực địa tại 35 ngôi làng ở bang Rajasthan, Ấn Độ giữa tháng 5 và tháng 8 năm 2002  của Anirudh Krishna, Đại học Duke, Durham, NC, USA. cho thấy: thứ nhất, sự đa dạng hóa nguồn thu nhập lại là nguyên nhân quan trọng nhất giúp hộ nông dân  thoát nghèo trong khu vực này. Thứ hai, Ba nguyên nhân chủ yếu: sức khỏe, nợ nần, và chi phí giao tế xã hội – kết hợp lại chiếm đến 85% trong tất cả trường hợp bị rơi vào cảnh nghèo. Thứ ba, phương pháp nghiên cứu: Phương pháp này dựa nhiều vào các phương pháp đánh giá nghèo mang tính cùng tham gia trước đây, bao gồm Chamber (1997), Narayan và các tác giả khác (2000a), Narayan, Chambers, Shah, và Petesh (2000b), và Salmen (1987).

Một quan niệm đa chiều của nghèo nhận ra rằng thiếu thốn là đa dạng và không chỉ giới hạn cho những cân nhắc thu nhập Narayan và Petesch (2007) lập luận có sở cứ rằng "thiếu tiền chỉ là một trong rất nhiều bất lợi của nghèo và là một trong rất nhiều trở ngại để thoát khỏi một cuộc sống bần cùng hóa" . Hiện tại, có hơn 91 quốc gia có đánh giá và đo lường nghèo theo hướng tiếp cận  nghèo đa chiều.

Theo Alkire, Manuel Roche, Santos và Seth (2011) đề xuất 3 khía cạnh và 10 chỉ số đo lường. Các khía cạnh nghèo, các chỉ số và ngưỡng thiếu hụt như sau: giáo dục, gồm các chỉ số đo lường là số năm đi học của thành viên trong gia đình và tình trạng trẻ em đi học tới lớp 8; sức khỏe, gồm các chỉ số đo tỷ lệ tử vong và trẻ em suy dinh dưỡng; mức sống, gồm các chỉ số đo lường là điện, cải thiện vệ sinh môi trường, nguồn nước sạch, sàn nhà, nhiên liệu dùng đun nấu và sở hữu tài sản; Trong khi đó, “phân tích nghèo đa chiều, đi từ hộ đến cá nhân”, triển khai nghiên cứu tại Ấn Độ của Ramya M.Vijaya (2014) đề xuất có 4 tiêu chí đánh giá nghèo đa chiều với 11 chỉ số đo lường. Thứ nhất, khía cạnh giáo dục, với 2 chỉ số đo về tình trạng đi học và nhập học; thứ hai, khía cạnh mức sống, gồm 6 chỉ số đo là điện, sàn nhà, nhiên liệu đun nấu, nước, điều kiện vệ sinh và tình trạng sở hữu hàng lâu bền; thứ ba, tiêu chí tài sản gồm 1 chỉ số đo là đất và nhà và tiêu chí thứ tư là trao quyền, với 2 chỉ số đánh giá việc cho phép  (phụ nữ) đi đến chợ, nhà hộ sinh, cơ sở y tế hay đi ra ngoài làng và chỉ số quyền được phép tiếp cận dịch vụ y tế cho nhu cầu riêng. Việc vận dụng đo lường, các khía cạnh nghèo đa chiều và chỉ số đo lường của Alkire và cộng sự (2011) là đơn giản và dễ thực hiện, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Tại Trung Quốc, các tác giả Lý Tuấn Kiệt, Ký Hải Bằng (2013) đã thực hiện thu thập37.146 hộ gia đình thuộc Quận tự trị Thổ Gia- Trường Dương- Hồ Bắc làm số liệu điều tra. Căn cứ vào lý luận “Nghèo đa chiều” của Amartya Sen, nghiên cứu tình trạng phân bố, mật độ nghèo đa chiều của các hộ nông dân. Kết quả cho thấy 5 yếu tố tồn tại sự thiếu hụt nghiêm trọng là “Bảo hiểm dưỡng lão”, “Thiếu hụt sức lao động”, “Diện tích canh tác”, “ Tính đa dạng của thu nhập” và “nước uống”, 3 chỉ số “Tình trạng gia đình”,  “Tình trạng nhà ở” và “Tình trạng nguồn điện” , có vai trò không lớn trong việc gia tăng mức độ nghèo. 

 Thực tiễn diễn ra ở trong nước:

Tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam trong 3 năm qua (2011-2013), giảm bình quân 2,07%/năm, tương ứng với giảm 1,2 triệu hộ nghèo, tức là giảm hơn 40% tổng số hộ nghèo. Tại một hội nghị sơ kết chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo và việc làm khu vực miền Trung - Tây Nguyên (gồm 12 tỉnh thành từ Quảng Bình đến Lâm Đồng) gần đây đã cho thấy nổi lên một hiện tượng là những hộ dân được báo cáo đã xóa đói giảm nghèo nhưng chỉ một thời gian ngắn sau lại tiếp tục... tái nghèo đưa tổng số hộ tái nghèo ở khu vực lên mức 60 - 70%. (Hoàng Mai (2014), Nghèo, tái nghèo và những bất cập, Báo điện tử Đại đoàn kết, Nghèo, tái nghèo và những bất cập, http://daidoanket.vn/index.

Thông tin từ Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương công bố tại: Hội thảo công bố báo cáo “Đặc điểm kinh tế nông thôn Việt Nam: Kết quả điều tra hộ gia đình nông thôn năm 2012 tại 12 tỉnh”, Trên cơ sở khảo sát 3.700 hộ nông dân  tại 12 tỉnh trên cả nước, báo cáo từ cuộc điều tra của Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho thấy, thu nhập và chi tiêu của hộ nông dân  ở nông thôn đang giảm dần và tỷ lệ hộ nghèo không giảm trong giai đoạn 2010-2012, tương ứng số hộ tái nghèo tăng lên. Theo đó, thu nhập trung bình của hộ thuần nông chỉ đạt 48.618 đồng/ngày, tức khoảng 1.458.000 đồng/tháng.Thu nhập từ các hoạt động phi nông nghiệp và ngoài kinh doanh hộ nông dân  đóng góp khoảng 30-40% trung bình thu nhập ròng tại hầu hết các tỉnh. Các công việc chủ yếu là phi chính thức và có tính chất mùa vụ: chỉ khoảng 20% người đi làm cho biết là họ có ký hợp đồng lao động.

Các đề tài nghiên cứu về nghèo đói tại tỉnh Thái Nguyên được nhiều tác giả nghiên cứu: Trần Chí Thiện (2007), “Thực trạng và giải pháp xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc vùng núi cao tỉnh Thái Nguyên”, mã số B2005-I8-04. Tác giả và nhóm nghiên cứu đề tài cấp Bộ đã lựa chọn hai huyện Định Hóa và Phú Lương   là  nơi thu thập tài liệu; quy mô mẫu lựa chọn là 400 hộ; trong đó nhóm hộ nghèo 199 (58 hộ dân tộc Kinh , 115 dân tộc Tày, 26 dân tộc khác) và 201 hộ không nghèo (69 hộ dân tộc Kinh, 101 hộ dân tộc Tày và 31 hộ dân tộc khác). Nhóm nghiên cứu sử dụng Hàm sản xuất Cobb – Douglas để chỉ ra một số nguyên nhân ảnh hưởng đến thu nhập của hộ nông dân  các dân tộc vùng núi cao là: tuổi bình quân của chủ hộ, học vấn; nhân khẩu; diện tích đất nông nghiệp; phương tiện sản xuất; vốn vay và hoạt động của tổ chức khuyến nông. Các biến số giải thích này đều có ý nghĩa thông kê và được  nhóm nghiên cứu rút ra kết luận là các nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng đói nghèo của đồng bào dân tộc miền núi tỉnh Thái Nguyên. Theo kết quả nghiên cứu đề tài cấp Bộ của Nguyễn Trọng Hoài (2005), Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh , "Nghiên cứu ứng dụng các mô hình kinh tế lượng phân tích các nhân tố tác động đến nghèo đói và đề xuất xóa đói giảm nghèo ở các tỉnh Đông nam bộ”, mã số B2004-22-60TĐ; tác giả và nhóm nghiên cứu đã thu thập số liệu  từ 640 hộ nông dân  ở Ninh Thuận và 619 hộ nông dân  ở Bình Phước là nguồn số liệu chính cho đề tài. Các số liệu được phân tích dựa trên mô hình kinh tế lượng, với hàm hồi quy Logistic. Biến phụ thuộc là chi tiêu bình quân/người, các biến giải thích là: việc làm, dân tộc thiểu số, diện tích đất canh tác, được vay vốn là những biến số có ý nghĩa thông kê để giải thích nguyên nhân ảnh hưởng tới nghèo đói của hộ nông dân .

Theo Báo cáo chung của các nhà tài trợ tại Hội nghị  Tư vấn các nhà tài trợ Việt Nam 2004, tổ chức ở Hà Nội cũng nêu rõ: “ Một gia đình có chủ hộ có trình độ trung cấp có mức chi tiêu cao hơn mức trung bình 19% và nếu chủ hộ có trình độ đại học thì mức cao hơn là 31%...”. mặt khác, báo cáo này cũng nêu nhận xét,  nghèo cũng liên quan chặt chẽ tới nhóm dân tộc. ngay cả khi tất cả mọi đặc điểm khác là giống nhau, chi tiêu của một người thuộc hộ dân tộc thiểu số thấp hơn chi tiêu của một người thuộc hộ người Kinh hoặc Hoa là 13%.

Tính cấp thiết

Giải quyết tình trạng nghèo đói  được Đảng và Nhà nước ta đặt ra trong Chiến lược Toàn diện về Tăng trưởng và giảm nghèo.

Giải quyết tình trạng nghèo đói không những nâng cao đời sống kinh tế, mà nó còn cải thiện những vấn đề xã hội, đặc biệt là sự bình đẳng của các tầng lớp cư dân, nhất là cư dân nông thôn so với thành thị.

Nghèo đói của người dân nói chung, người nông dân miền núi nói riêng chịu tác động của nhiều yếu tố, với tính chất và mức độ khác nhau. Các yếu tố này có thể có sự tương tác lẫn nhau và tác động đến nghèo đói. Vòng luần quẩn:  nghèo đói dẫn tới thu nhập thấp, thu nhập thấp dẫn tới đầu tư cho sản xuất, cho học hành của con cái những người nghèo thấp, vì đầu tư thấp dẫn tới kết quả sản xuất thấp, kết quả học tập của con cái thấp. Vì kế quả sản xuất thấp sẽ không đủ để trang trải các khoản chi phí cho đời sống, quá trình đầu tư tái sản xuất thấp, đầu tư thấp làm cho thu nhập thấp, dẫn tới đói nghèo. Công việc xóa đói, giảm nghèo đã được các địa phương quan tâm, tuy nhiên, thực trạng xuất hiện: vừa xóa nghèo, nhưng cũng xuất hiện thêm người nghèo. Do đó, việc xoá nghèo phải làm thế nào để vừa đảm bảo giảm tỷ lệ hộ nghèo, vừa hạn chế mức thấp nhất số hộ nghèo tái xuất hiện.

Theo số liệu của Báo cáo tóm tắt hội nghị trực tuyến giảm nghèo của Bộ Lao động thương binh và xã hội, ngày 22 tháng 4 năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo cả nước năm 2012 là 9,6%; trong khi đó, vùng Trung du và miền núi phía Bắc là 17,39%, cao thứ hai so với cả nước (đứng đầu là miền núi Tây Bắc, 28,55%). Đối với tỉnh Thái Nguyên, tỷ lệ nghèo đó là 13,76%, cao gấp hơn 1,4 lần so với mức trung bình chung toàn quốc tại cùng thời điểm. Riêng đối với các huyện miền núi của Thái Nguyên,  tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao, huyện Đại Từ, 19,69%; huyện Định Hóa, 24,82%, thậm chí huyện Phú Lương  lên tới 31,35%[1].

Do đó, giải quyết được bài toán về đói nghèo và đảm bảo bền vững là viêc làm xuất phát từ nhu cầu khách quan, là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nói chung, của khu vực miền núi tỉnh Thái Nguyên nói riêng, tôi đã chọn đề tài nghiên cứu:

“Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng tới thoát nghèo và tái nghèo của hộ nông dân tại khu vực miền núi tỉnh Thái Nguyên”.

 


[1] Niên giám Thống kê tỉnh Thái Nguyên, năm 2013.

Mục tiêu

Mục tiêu chung: Xác định được các yếu tố ảnh hưởng đến thoát nghèo và tái nghèo  của hộ nông dân tại khu vực miền núi tỉnh Thái Nguyên. Theo đó, làm cơ sở cho việc định hướng chính sách giảm nghèo bền vững cho các hộ nông dân khu vực miền núi.

Mục tiêu cụ thể: - Góp phần phát triển về mặt lý luận và thực tiễn về các yếu tố ảnh hưởng tới thoát nghèo và tái nghèo.

- Đánh giá thực trạng thoát nghèo và tái nghèo của người nông dân tại khu vực miền núi tỉnh Thái Nguyên (từ đó tìm ra các yếu tố ảnh hưởng).

- Xác định các yếu tố ảnh hưởng tới thoát nghèo và tái nghèo của hộ nông dân khu vực miền núi tỉnh Thái Nguyên.

Nội dung

1. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về các yếu tố ảnh hưởng tới thoát nghèo và tái nghèo của hộ nông dân.

2. Các yếu tố ảnh hưởng đến  nghèo đói của người nông dân miền núi tỉnh Thái Nguyên:

- Nhóm chính sách hỗ trợ giảm nghèo.

- Đặc điểm của người nghèo (thóat nghèo vừa tái  nghèo) .

- Vai trò của cộng đồng, các tổ chức cộng đồng đối với thóat nghèo và tái nghèo của người nông dân khu vực miền núi tỉnh Thái Nguyên.

- Các yếu tố rủi ro đối với người nông dân nghèo khu vực miền núi tỉnh Thái Nguyên (thiên tai, sức khỏe, thị trường), thường liên quan tới vấn đề tái nghèo.

3. Một số giải pháp giảm nghèo bền vững cho người nông dân miền núi tỉnh Thái Nguyên.

Tải file NGHIÊN CỨU CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG TỚI THOÁT NGHÈO VÀ TÁI NGHÈO CỦA HỘ NÔNG DÂN TẠI KHU VỰC MIỀN NÚI TỈNH THÁI NGUYÊN. tại đây

PP nghiên cứu

1. Phương pháp tiếp cận

Phương pháp tiếp cận vùng: việc lựa chọn vùng núi; vùng đặc biệt khó khăn và vùng khó khăn được trong giả thuyết: địa hình có ảnh hưởng tới điều kiện canh tác, phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội,...và do đó nó là một yếu tố ảnh hưởng tới kết quả nghiên cứu.

Phương pháp tiếp cận theo mức thu nhập của hộ nông dân: Giả thiết rằng, các nhóm hộ nông dân có mức thu nhập khác nhau có những biến số khác nhau tác động. Với phương pháp tiếp cận này, nó giúp chúng ta đánh giá các yếu tố tác động tới nhóm hộ thoát nghèo và tái nghèo như thế nào.

Phương pháp tiếp cận dân tộc: các yếu tố giới tính, tuổi, số lượng thành viên trong mỗi hộ,...được xem là các biến số ảnh hưởng tới tình trạng thóat nghèo, tái nghèo.

Phương pháp tiếp cận từ dưới lên: tiếp cận từ hộ nông dân để tìm hiểu ảnh hưởng của các chính sách công đối với việc giúp hộ nông dân thoát nghèo và những bất cập có thể làm cho hộ nông dẫn tái nghèo.

Phương pháp tiếp cận công, tư: theo phương pháp tiếp cận  này, đề tài phân tích theo hướng quan hệ giữa các chính sách của Nhà nước đối với đầu tư vào hạ tầng cơ sở như công trình điện sản xuất, sinh hoạt; đường giao thông; xây dựng  trường học và đầu tư chăm sóc sức khỏe (xây dựng trạm y tế, chăm sóc sức khỏe ban đầu) và các chính sách đầu tư trực tiếp cho người nông dân: chính sách hỗ trợ tín dụng thông qua Ngân hàng chính sách xã hội; tặng thẻ Bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên thuộc đối tựợng hộ nghèo; hỗ trợ tiền cho hộ nghèo làm nhà,...

Phương pháp tiếp cận nghèo đói đa chiều: Theo cơ quan Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP)- Chỉ số nghèo đa chiều (MPI) đại diện cho một nỗ lực đầy tham vọng để đánh giá nghèo dựa trên thiếu thốn của gia đình trong giáo dục, y tế, và mức sống. Chỉ số khác nhau được sử dụng để đo lường mỗi khía cạnh và họ đại diện cho một kết hợp của hàng hóa và các hoạt động thực tế. Ba khía cạnh có trọng số như nhau và tổng số điểm thiếu thốn của gia đình được so sánh với một ngưỡng nghèo được thiết lập. Kể từ khi MPI tập trung vào thông tin từ mỗi hộ gia đình, có thể xem xét nhiều thiếu hụt và sự liên kết với giữa chúng với nhau cho hộ gia đình, cho phép xác định không chỉ là tỷ lệ nghèo theo đầu người mà còn là mật độ của nghèo đói.

2. Mô hình và khung phân tích

2.1. Mô hình

+ Mô hình kiểm định logit

+ Mô hình bảng


2.2. Khung phân tích lý thuyết thoát nghèo và tái nghèo

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguồn: http://www.fao.org/docrep/008/a0273e/a0273e04.htm#bm04


Khái niệm nghiên cứu tổng quát

Các yếu tố ảnh hưởng đến họat động sản xuất, đời sống của người nông dân nghèo miền núi, các chính sách công hỗ trợ đối với các hộ nghèo và kết quả của các chương trình, dự án giảm nghèo tại vùng miền núi của tỉnh Thái Nguyên

2.3. Nội dung và chỉ tiêu phân tích

2.3.1.Nội dung phân tích

a. Đặc điểm điều kiện tự nhiên của vùng nghiên cứu

b. Đặc điểm đời sống kinh tế xã hội, đời sống sinh họat của người dân nông thôn miền núi

c. Thực trạng về các chính sách và giải pháp hỗ trợ người nghèo

- Nhóm chính sách Chính phủ

- Nhóm giải pháp của địa phương

- Các chương trình, dự án của các tổ chức trong và ngoài nước

d. Thực trạng điều kiện các nguồn lực phục vụ cho sản xuất và sinh họat của các người dân vùng miền núi

* Nguồn lực của hộ

* Nguồn lực của xã hội và địa phương

e. Tình hình sử dụng các nguồn lực của hộ nông dân.

f. Tình hình họat động và kết quả hoạt động của các dự án, chương trình giảm nghèo tại địa phương.

g. Tình hình đầu tư và kết quả sản xuất của người nghèo vùng miền núi. 

h. các yếu tố ảnh hưởng tới thoát nghèo và tái nghèo của tỉnh Thái Nguyên

2.3.2. Chỉ tiêu phân tích

Nhóm chỉ tiêu phân tích tình hình thoát nghèo, tái nghèo và của hộ nông dân miền núi

Nhóm chỉ tiêu phân tích nguyên nhân ảnh hưởng tới thoát nghèo và tái nghèo của hộ nông dân.

Nhóm chỉ tiêu phản ánh đặc diểm cơ bản của hộ nông dân.

 Nhóm chỉ tiêu phản ánh điều kiện sản xuất của hộ nông dân.

Nhóm chỉ tiêu phản ánh các yếu tố xã hội và địa phương ảnh hưởng tới đời sống của hộ.

Nhóm chỉ tiêu phản ánh chi phí sản xuất của hộ nông dân.

Nhóm chỉ tiêu phản ánh kỹ thuật canh tác của hộ nông dân.

Nhóm chỉ tiêu phản ánh kết quả sản xuất của hộ nông dân.

Nhóm chỉ tiêu phản ánh chi tiêu của hộ nông dân, sự bất bình đẳng thu nhập của hộ.

3. Thu thập thông tin

3.1.Thông tin thứ cấp

Loại thông tin

Thông tin tình hình kinh tế - xã hội: hạ tầng cơ sở (điện, giao thông, chợ nông thôn, chợ huyện, trường sở các cấp giáo dục, cơ sở y tế; đội ngũ cán bộ giáo viên, cán bộ y tế các cấp xã, huyện; tình hình đầu tư vào các cơ sở hạ tầng, tình hình sản xuất các ngành kinh tế của địa phương…), những thuận lợi và khó khăn có ảnh hưởng tới thoát nghèo và tái nghèo tại các huyện được lựa chọn trong khu vực miền núi tỉnh Thái Nguyên.

Nguồn thông tin

Tỉnh Thái Nguyên: Sở Lao động – Thương binh xã hội; Phòng Dân tộc; Ban Kinh tế tỉnh Thái Nguyên; Cục Thống kê.

Thông tin cấp huyện (các huyện điều tra: Định Hóa, Đồng Hỷ, Phú Lương): các Phòng Lao động- thương binh xã hội; Phòng Thống kê, Phòng Dân tộc; Phòng kinh tế hạ tầng; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thời gian

Các thông tin được thu thập được công bố trong khoảng từ năm 2012 – đến nay.

3.2. Thông tin sơ cấp

 


 

3.2.1.Thiết kế nghiên cứu


3.2.2.  Chọn vùng nghiên cứu, điểm nghiên cứu

Chọn vùng nghiên cứu theo tiêu thức phân tầng

Dựa theo Quyết định số 1049/QĐ-TTg, ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành Danh mục các đơn vị hành chính khó khăn và Quyết định số 447/QĐ- UBDT, ngày 19 tháng 9 năm 2013 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc về Công nhận thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đọan 2012-2015, chúng tôi lựa chọn các huyện và các xã theo sơ đồ sau:

 

Sơ đồ 2- Khung chọn mẫu phân tầng 

trên kết quả đánh giá phân vùng của tỉnh Thái Nguyên về cấu trúc địa hình, kết quả phân loại thu nhập của hộ nông dân  các huyện miền núi tỉnh Thái Nguyên để lựa chọn vùng nghiên cứu. Trong các huyện miền núi, chúng tôi dự kiến lựa chọn 3 huyện Định Hoá, Đồng Hỷ và Phú Lương có các xã thuộc vùng miền núi, tiêu chí là tốc độ giảm nghèo  nghèo nhanh (t), quy mô hộ nghèo (Q) tính tại thời điểm 01-01-2011 lớn so với các huyện miền núi trong tỉnh Thái Nguyên (xem bảng 1).

Sau khi đã lựa chọn được đối tượng là những người thoát nghèo/ tái nghèo từ kết quả rà soát của địa phương, công việc thu thập số liệu ở cấp độ  xã, làng, thôn và đến hộ nông dân  sẽ được tiến hành.

Dựa trên kết quả đánh giá phân vùng của tỉnh Thái Nguyên về cấu trúc địa hình, kết quả phân loại thu nhập của hộ nông dân  các huyện miền núi tỉnh Thái Nguyên để lựa chọn vùng nghiên cứu. Trong các huyện miền núi, chúng tôi chọn các 3 huyện Định Hoá, Đồng Hỷ và Phú Lương , với tiêu chí là tốc độ giảm nghèo cao so với toàn tỉnh Riêng với huyện Định Hóa, mặc dù có tốc độ giảm nghèo chậm hơn so với huyện Võ Nhai, nhưng do quy mô số hộ nghèo tại thời điểm ngày 01 tháng 01 năm 2011 lớn hơn, nên chúng tôi chọn huyện Định Hóa.

3.2. 3. Xác định đối tượng, phương pháp và loại thông tin sơ cấp

Bảng 1- Tình hình giảm nghèo của tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2011-2013

STT

Địa phương

 Thời điểm 01/01/2011

  31/12/2011

 31/12/2012

 31/12/2013

Tốc độ giảm nghèo bình quân 3 năm

 
 

Tổng số hộ dân

Hộ nghèo

Hộ nghèo

Hộ nghèo

Hộ nghèo

 

Số hộ

Tỷ lệ (%)

Số hộ

Tỷ lệ (%)

Số hộ

Tỷ lệ (%)

Số hộ

Tỷ lệ (%)

 

A

B

1

2

3

7

8

7

8

7

8

 

 

1

TP. Th.nguyên

62710

2840

4.53

2322

3.61

2069

3.11

1779

2.62

-1.37

 

2

TX. S.Công

12399

1277

10.30

760

6.10

645

5.02

551

4.19

-1.57

 

3

H. Phổ Yên

35131

5972

17.00

4572

12.64

3366

9.03

2819

7.00

-1.53

 

4

H. Đồng Hỷ

27430

6277

22.88

5389

19.45

4573

16.18

3853

13.51

-1.39

 

5

H. Phú Bình

34852

8655

24.83

6991

19.67

5764

16.07

4785

13.04

-1.45

 

6

H. Phú Lương

28173

6194

21.99

4907

17.30

4054

13.89

3561

12.18

-1.43

 

7

H. Đại Từ

44794

12392

27.66

10782

23.53

9214

19.69

7628

16.10

-1.38

 

8

H. Định Hoá

24147

8205

33.98

6911

28.01

6189

24.81

5727

22.72

-1.30

 

9

H. Võ Nhai

16154

6979

43.20

5986

36.69

5149

31.35

4659

28.30

-1.33

 

Toàn tỉnh

 

285790

58791

20.57

48620

16.69

41025

13.76

35362

11.60

-1.40

 

 

Nguồn: Báo cáo rà soát nghèo, Sở LĐ-TBXH Tỉnh Thái Nguyên.

 

 

  

Sơ đồ 3 – Xác định đối tượng, phương pháp và loại thông tin sơ cấp


Bảng 1.1 Phân nhóm đối tượng hộ nông dân điều tra

Năm 2011

 

Năm 2014

 

Nghèo

Không nghèo

Nghèo

Nghèo (kinh niên)

Không nghèo (thoát nghèo)

Không nghèo

Tái nghèo/rơi vào nghèo

Không nghèo

 

Phương pháp thu thập số liệu mới được sử dụng là chọn mẫu ngẫu nhiên, số đơn vị mẫu được tính theo công thức

 

Để đạt độ chính xác của mẫu chúng tôi lấy giá trị độ lệch chuẩn mẫu ∂=200, phạm vi sai số chọn mẫu є=20 (ngàn đồng); với trình độ tin cậy: p = 95% (mức ý nghĩa: α = 5%) theo bảng phân phối Student ta có giá trị t=1,96. Số lượng đơn vị mẫu cần chọn (n)= 96 hộ. Để đảm bảo tính khách quan, mỗi vùng chọn 96 hộ, nghĩa là tổng số đơn vị mẫu là: 96*3 = 288. Trong quá trình thực hiện, để loại trừ khả năng một số đơn vị mẫu có những biến động bất thường, không thể lặp lại trong lần điều tra thứ hai, chúng tôi tăng số đơn vị điều tra lên 400 hộ.

Theo cách tính số đơn vị mẫu điều tra của Slovin, với công thức tính:

 

Trong công thức này, n là số đơn vị  điều tra (hộ gia đình). Với N là tổng số hộ của tỉnh Thái Nguyên, tại thời điểm 01 tháng 01 năm 2011 là 285.790 hộ (xem bảng 1); e mức ý nghĩa =0,05

Thì số hộ cần điều tra là 399 hộ, chúng tôi lấy chẵn là 450 hộ (có những phiếu điều tra có thể không đáp ứng được thông tin cần thu thập sẽ bị loại).

- Số liệu mới : Dự kiến được thu thập của năm 2011, 2014, thông qua Hội thảo với cán bộ đại diện các Phòng chức năng của huyện Định Hóa, Đồng Hỷ và Phú Lương ;  điều tra tại các hộ nông dân  của huyện này. Dựa trên kết quả đánh giá tình trạng nghèo đói của huyện Định Hóa, Đồng Hỷ và Phú Lương ,  tôi dự kiến các tiêu thức và lựa chọn các xã sau:

Bảng 1.2- Lựa chọn mẫu điều tra

Stt

Tên xã

cỡ mẫu

Tiêu thức lựa chọn

1

Bảo Linh

50

Xã miền núi, vùng cao; sản xuất nông nghiệp

2

Trung Hội

50

Xã miền núi; có điều kiện dịch vụ thương mại

3

Quy kỳ

50

Xã miền núi, vùng cao, dân cư thưa thớt, tỷ lệ hộ nghèo cao

4

Bình Thành

50

Xã miền núi;  tỷ lệ hộ nghèo cao; sản xuất nông nghiệp.

5

 

50

Xã miền núi,vùng cao; sản xuất nông nghiệp

6

 

50

Xã miền núi, vùng cao; có điều kiện sản xuất hàng hoá nông nghiệp

7

 

50

Xã miền núi, có điều kiện phát triển công nghiệp và nông nghiệp

8

 

50

Thị trấn miền núi; có điều kiện dịch vụ thương mại

 




 

Phương pháp chọn hộ

- Chọn ngẫu nhiên, phân tầng: từ tổng thể, chia thành 2 nhóm hộ nghèo và không nghèo; đối với hộ nghèo gồm có các hộ chưa thoát khỏi nghèo và hộ tái nghèo; đối với hộ không nghèo, có cả hộ thoát nghèo.

- Các hộ được chọn, trước hết dựa trên kết quả phân loại nhóm hộ  (theo danh danh sách hộ nghèo do Phòng Lao động thương binh và xã hội của 3 huyện Định Hóa, Đồng Hỷ và Phú Lương  cung cấp); sau đó, các xã được chọn được nhóm căn cứ vào đặc điểm địa hình là các xã miền núi. Đối với các hộ không nghèo, nhóm nghiên cứu đề nghị trưởng các thôn điều tra cung cấp danh sách các hộ ngẫu nhiên.

Số lượng mẫu 450 hộ nông dân, đạt quy mô cỡ mẫu lớn. Với  quy mô trên , mỗi huyện sẽ chọn  150 hộ – mỗi huyện 3 xã – mỗi xã 50 hộ,5-10 hộ tái nghèo và 10-20 hộ thoát nghèo, 25-30 hộ không nghèo. Quá trình điều tra sẽ thực hiện điều tra lặp. điều tra lần đầu năm 2013 và lặp lại vào năm 2014.

3.2.4. Xây dựng phiếu điều tra

Phiếu điều tra được sử dụng điều tra trực tiếp tại hộ gia đình nông dân

Các thông được chuẩn bị trong phiếu gồm:

Thứ nhất: các thông tin chung về hộ gia đình (tên, tuổi, giới tính của chủ hộ, tình hình nhân khâu, lao động của hộ; phân loại hộ)

Thứ hai, các thông tin về tài sản chủ yếu của hộ (tài sản sinh hoạt, tài sản phục vụ sản xuất; diện tích đất đai; tình hình thu, chi của hộ);

Thứ ba, tình hình kết quả sản xuất và chi phí sản xuất của hộ (trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp,…).

Thứ tư, các nguyên nhân thoát nghèo hoặc tái nghèo của hộ nông dân và nguyện vọng của hộ nông dân.

Thứ năm, tình hình đời sống của cư dân.

Thứ sáu, tình hình thủy lợi và sử dụng hệ thống thủy lợi của hộ nông dân.

3.2.5 Quy trình thu thập thông tin từ hộ gia đình

 

Sơ đồ 4 – Các bước thực hiện thu thập thông tin từ hộ nông dân


3.2.6. Xử lý số liệu

+ Quá trình xử lý số liệu được thực hiện trên phần mềm SPSS.

4. Các phương pháp phân tích

4.1 Mô hình kiểm định logit

Giả thuyết mô hình

Nhóm 1

Giả thuyết H1: Tồn tại ít nhất một biến giải thích có ảnh hưởng tới thoát nghèo hoặc tái nghèo của hộ nông dân.

Giả thuyết H0: Không có biến số nào đưa vào mô hình logit có ảnh hưởng tới thoát nghèo và tái nghèo của hộ nông dân.

Nhóm 2

Giả thuyết H1: Biến phân vùng theo điều kiện kinh tế -xã hội có ảnh hưởng tới thoát nghèo và tái nghèo của hộ nông dân.

Giả thuyết H0: Biến phân vùng theo điều kiện kinh tế -xã hội không ảnh hưởng tới thoát nghèo và tái nghèo của hộ nông dân.

Chọn biến

Dựa trên kết quả nghiên cứu của Contreras và cộng sự (2004) tại Chi Lê đã sử dụng hàm logit để phân tích yếu tố ảnh hưởng tới người nông dân thoát nghèo và rơi vào nghèo;  Amara Amjad Hashmi và Maqbool.H. Sial (2008) nghiên cứu tại bang Punjab- Ấn Độ; Glewwe, Gragnolati và Zaman (2000), justino và Litchfield (2004) nghiên cứu tại Việt Nam có sử dụng hàm logit để phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến thoát nghèo của hộ nông dân, Trine Lunde (2009), Kết quả thực nghiệm cho thấy các yếu tố phổ biến nhất liên quan tới thoát nghèo thuộc một trong các loại sau:

(1)  Đất đai và vốn vật chất;

(2)  Vốn nhân lực;

(3)  Vốn xã hội;

(4)  Các họat động việc làm và tạo thu nhập;

(5)  Quy mô và cơ cấu nhân khẩu của hộ;

(6)  Tiếp cận thị trường và các yếu tố không gian.

Sử dụng mô hình Logit để xem xét các yếu tố tác động đến khả năng thoát nghèo hoặc tái nghèo của nhóm hộ nghèo và cận nghèo tại thời điểm điều tra số liệu mới, năm 2014. Mô hình được thực hiện như sau:

Đặt Y =  1 nếu là hộ thoát nghèo; Y = 0 nếu không phải hộ nghèo

Khi đó:

Pi là xác suất hộ nghèo (với Y =1)

b1 , b2,.. bk  là các hệ số hồi quy.

Xi (i = 2,k) là các biến độc lập và giá trị đã được xác định.

X2: diện tích đất sản xuất nông nghiệp của hộ nông dân.

X3: số lao động trong hộ nông dân .

X4: Số khẩu ăn theo tính trên lao động của hộ.

X5: thu nhập từ hoạt động làm thuê phi nông nghiệp.

X6: trình độ văn hóa của chủ hộ.

X7: Thu nhập từ hoạt động phi nông nghiệp

Mô hình được viết lại như sau:

 (1)

Sau khi ước lượng các hệ số hồi quy của mô hình bằng hàm logistic, ta đi xem xét ý nghĩa của các hệ số hồi quy.

Hệ số Odd: Tham số tỷ số nguy cơ (Odds Ratio - OR)

Chỉ số thống kê quan trọng trong hồi qui Logistics là tỷ số nguy cơ (Odds Ratio – OR). Trong tiếng Anh, odd có nghĩa là nguy cơ hay khả năng. Nói cách khác odd là tỷ số của 2 giá trị của một biến nhị phân.

Đặt hệ số Odd là P0.

(2)

 Trong đó P0 là xác suất hộ nghèo ban đầu, O0 là hệ số chênh lệch nghèo và không nghèo ban đầu.

Từ (1) và (2) suy ra:

(3)

Giả định khi các yếu tố khác không đổi, nếu tăng giá trị của Xk lên 1 đơn vị, thì hệ số chênh lệch thoát nghèo và nghèo sẽ là:

 

 

Hay                                    (4)

Thay (3) vào (4) ta có:

 (5)

Như vậy, khi các yếu tố khác không đổi nếu Xk tăng lên 1 đơn vị thì xác suất nghèo của hộ sẽ dịch chuyển từ P0 sang P1.

Mô hình được áp dụng tương tự cho hộ tái nghèo và hộ thoát nghèo

 

+ Mô hình phân tích số liệu bảng

Tuy nhiên, có thể lựa chọn phương pháp phân tích theo Bigsten  và cộng sự (2003) đã tiến hành nghiên cứu , họ đã sử dụng hàm Probit cho hộ nông dân rơi vào nghèo; Hàm Probit cho thoát nghèo và Logit đa thức cho luôn luôn, đôi khi, không bao giờ nghèo.

Kiểm định giả thuyết: Sử dụng phần mềm SPSS 20.0 

4.2.Phương pháp phân tổ

Phương pháp này được sử dụng trong phân vùng nghiên cứu (vùng nghiên cứu là vùng núi- như đã nói trên); phân nhóm hộ nghèo. Đối với nhóm hộ nghèo, được phân thành nhóm hộ nghèo và cận nghèo và nhóm hộ không nghèo gồm hộ trung bình và hộ khá khi phân tích mô hình CHI – SQURE.

4.3. Phương pháp so sánh

Phương pháp so sánh được sử dụng rất nhiều trong đề tài nghiên cứu. Thực chất, dưới dạng thứ nhất là dãy số theo thời gian, sử dụng phương pháp so sánh, người ta có được nhận định về xu hướng của sự vật, hiện tương, đồng thời, tính quy luật của loại số liệu này thường cung cấp cho các nhà phân tích những dự đoán về kết quả có thể có trong tương lai.

So sánh theo thời gian: Đánh giá thay đổi tình trạng nghèo của các hộ theo thời gian từ năm 2011 đến 2014; Đánh giá tình hình đầu tư, kết quả đầu tư của các dự án, chương trình cho các huyện thuộc vùng lựa chọn điều tra theo thời gian

So sánh chéo: so sánh giữa nhóm hộ thoát nghèo với hộ nghèo; so sánh giữa hộ tái nghèo với hộ không nghèo, tình hình giảm nghèo giữa các huyện theo cùng thời gian; tình hình đầu tư, kết quả đầu tư giữa các huyện với nhau trong cùng thời gian.

So sánh hỗn hợp: kết hợp so sánh theo thời gian và so sánh chéo.

Hiệu quả KTXH

- Kinh tế, xã hội: Đề xuất giải pháp giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách phân hóa giàu nghèo, từng bước nâng cao đời sống bộ phận dân cư nghèo trên mọi mặt: cải thiện kinh tế, hưởng thụ đời sống văn hóa, tinh thần; được chăm sóc y tế tốt hơn và hưởng thụ điều kiện giáo dục ngày một tốt hơn.

ĐV sử dụng

- Giải pháp giảm nghèo bền vững là cơ sở khoa học quan trọng cho các nhà lập chính sách của Ủy ban nhân tỉnh Thái Nguyên và làm căn cứ để Sở Lao động thương binh – Xã hội tỉnh Thái Nguyên, Ủy ban dân tộc tỉnh Thái Nguyên thực hiện tốt chương trình Quốc gia giảm nghèo, giai đọan 2011- 2020.

- Cơ sở lý luận hiện đại về các yếu tố ảnh hưởng tới thoát nghèo và tái nghèo của hộ nông dân sẽ là tài liệu tham khảo quan trọng đối với môn học “ Kinh tế phát triển” được giảng dạy trong Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh. Đồng thời, cơ sở lý luận và các yếu tố ảnh hưởng đến thoát nghèo và tái nghèo của tỉnh Thái Nguyên là căn cứ quan trọng để các cơ quan chức năng tham mưu cho UBND tỉnh Thái Nguyên thực hiện tốt mục tiêu tam nông: Nông dân – Nông nghiệp và nông thôn.

STT Tên đơn vị Người đại diện
1 Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Sở Lao động thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên
2 Phòng Lao động Thương binh - Xã hội các huyện Định Hóa, Đồng Hỷ, Phú Lương
STT Tên người tham gia
1 Nguyễn Thị Gấm
2 Đồng Văn Đạt
3 Tạ Việt Anh

  BÌNH LUẬN BẠN ĐỌC(0)

  GỬI BÌNH LUẬN

Họ tên*
Email
Tiêu đề(*)
Nội dung*