Đọc giấc mơ bằng... máy quét
Để tìm hiểu xem liệu có thể đọc được giấc mơ giống như cách dùng máy đọc ý nghĩ lúc tỉnh hay không, hai chuyên gia Michael Czisch và Martin Dresler của Viện Tâm thần học Max Planck, Munich (Đức) đã chiếu tia theo dõi não bộ lên những người đang “mơ tỉnh”.
“Mơ tỉnh là một giấc mơ mà trong đó, bạn nhận ra rằng mình đang... mơ”, Dresler giải thích trên NewSciencetist. Khả năng “tỉnh giấc ngay trong giấc mơ và kiểm soát được hành động cũng như giấc mơ của mình” là khá hiếm. Chính vì thế, những người “mơ tỉnh” là một tài sản thực thụ cho giới nghiên cứu. Họ là những người duy nhất có thể “giao tiếp” và truyền thông tin về giấc mơ của mình với êkip nghiên cứu, thường là thông qua chuyển động của mắt.
Sau khi nghiên cứu 6 người được cho là có khả năng mơ tỉnh hàng đêm, nhóm của Dresler đã sử dụng cả máy quét chức năng MRI và máy phổ quang học để quan sát hoạt động não của từng người. Đầu tiên, họ cho 6 người này nắm chặt một tay trong lúc thức. Tiếp đến, 6 người được yêu cầu tưởng tượng ra cảnh mình đang nắm chặt một tay và cuối cùng, họ phải mơ thấy mình nắm chặt tay trong giấc mơ tỉnh. Hình ảnh của não trong 3 hoàn cảnh này sẽ được ghi lại và đem ra so sánh.
Cỗ máy giấc mơĐương nhiên, không dễ gì để biết được khi nào các tình nguyện viên đang mơ “nắm chặt tay”. Nhóm nghiên cứu đã kết hợp nhiều phương pháp theo dõi để kiểm tra xem các tình nguyện viên có trong trạng thái ngủ-đảo-mắt (REM) hay không (Khoa học đã chứng minh được, khi mắt chuyển động nhanh thường là lúc chúng ta đang mơ). Họ sẽ đo hoạt động của não, quan sát chuyển động của mắt và theo dõi cơ cằm, vốn luôn tê liệt trong giấc ngủ REM.
Để thông báo với các nhà nghiên cứu rằng mình đã bước vào trạng thái mơ tỉnh và sẽ cố gắng nắm chặt tay trong giấc mơ, mỗi tình nguyện viên được hướng dẫn để đảo mắt từ trái sang phải theo một số lần thống nhất từ trước. Kể cả khi đang mơ nắm chặt tay, những người này cũng không hề nắm chặt tay trong thực tế.
Yêu cầu đề ra thực sự khó. Các tình nguyện viên phải ngủ, đạt đến trạng thái REM và có một giấc mơ tỉnh – đủ ổn định để nhóm nghiên cứu thu thập được dữ liệu. Hệ quả là Michael và Dresler chỉ phân tích được hoàn chỉnh 2 giấc mơ mà thôi.
Trong cả hai trường hợp, họ đều có thể nhận dạng được hoạt động của não khi tình nguyện viên mơ nắm chặt tay, bởi nó rất giống với hình ảnh não khi tưởng tượng ra cảnh nắm chặt tay. Trong khi đó, việc nắm tay ngoài đời thực có hình ảnh chỉ hơi giống, bởi khu vực hoạt động rộng hơn nhiều.
“Đây là bằng chứng đầu tiên cho thấy, có thể sử dụng sự tưởng tượng của bộ não để đọc nội dung giấc mơ”, Czisch tuyên bố.
Miêu tả đây là một “công trình xuất sắc”, chuyên gia Daniel Erlacher của Đại học Bern Thụy Sĩ nhấn trí rằng, nếu như khoa học có thể đọc được chi tiết các chức năng của não và hiểu được ý nghĩa đại diện của chúng, con người sẽ có thể đọc được những giấc mơ sâu kín nhất.