Giới thiệu chung
|
ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN - THAINGUYEN UNIVERSITY |
|
Giám đốc: |
PGS.TS. Đặng Kim Vui |
I. Lịch sử phát triển
Đại học Thái Nguyên được thành lập năm 1994 trên cơ sở tổ chức sắp xếp lại các trường đại học trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên bao gồm: Trường Đại học Cơ điện (nay là trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp), Trường Đại học Nông nghiệp 3(nay là trường Đại học Nông Lâm), Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (nay là trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên), Trường Đai học Y khoa (nay là trường Đai học Y Dược) và Trường Công nhân Cơ điện Việt Bắc (nay là trường Cao Đẳng Kinh tế Kỹ thuật).
Việc thành lập các đại học, trong đó có Đại học Thái Nguyên là việc triển khai tư tưởng chỉ đạo của Đảng được thể hiện qua Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn Quốc lần thứ VIII, đó là xây dựng các trung tâm đào tạo lớn và chất lượng cao ở các vùng. Hơn 10 năm qua, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước là xây dựng và phát triển Đại học Thái Nguyên và trên thực tế, Đại học Thái Nguyên đã thể hiện rõ vai trò, vị trí của mình trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, đặc biệt với vùng trung du, miền núi phía Bắc Việt Nam.
Sau 15 năm xây dựng và phát triển, Đại học đã không ngừng phát triển và hoàn thiện theo mô hình đầy đủ của một Đại học vùng, bao gồm: các đơn vị quản lý, các đơn vị đào tạo, các đơn vị nghiên cứu và các đơn vị phục vụ đào tạo. Đại học đã quản lý thống nhất, điều hành toàn diện và phân cấp hợp lý cho các đơn vị thành viên nhằm phát huy tính tự chủ, năng động, sáng tạo của các đơn vị trong quá trình phát triển:
- Giai đoạn 1994 – 2000: Là giai đoạn ổn định, Đại học có 05 trường thành viên ban đầu và thành lập thêm 01 Trung tâm NCKH và chuyển giao công nghệ vùng Đông Bắc. Trong giai đoạn này, Đại học còn thành lập Trường Đại học Đại cương và một số khoa chuyên môn trực thuộc Đại học, nhưng các đơn vị này chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn. Theo quyết định của Chính phủ và chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, các đơn vị này đã được sáp nhập vào Trường Đại học Sư phạm (ĐHSP). Kết thúc giai đoạn này, Đại học có 6 đơn vị trực thuộc (05 trường và 01 trung tâm).
- Giai đoạn 2001-2005: Là giai đoạn phát triển về tổ chức, khẳng định sự trưởng thành của Đại học. Trong giai đoạn này có 05 đơn vị đào tạo trực thuộc Đại học được thành lập, đó là: Khoa Công nghệ thông tin (CNTT) (2001); Khoa Khoa học Tự nhiên (KHTN) (2002); Trường Đại học Kinh tế & Quản trị kinh doanh (ĐHKT & QTKD) (2004); Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật (CĐKT-KT) (2005) và nâng cấp Trung tâm Giáo dục quốc phòng (GDQP) Thái Nguyên từ đơn vị trực thuộc trường thành viên của Đại học thành đơn vị trực thuộc ĐHTN (2002). Đặc điểm của giai đoạn này là Đại học chỉ có các đơn vị đào tạo, chưa các có đơn vị phục vụ đào tạo. Kết thúc giai đoạn này, Đại học đã có 10 đơn vị trực thuộc (05 trường đại học, 01 trường cao đẳng, 02 khoa chuyên môn, 01 Trung tâm GDQP và 01 trung tâm nghiên cứu).
- Giai đoạn 2006 – 2009: Là giai đoạn phát triển để hoàn chỉnh Đại học. Trong giai đoạn này có 09 đơn vị mới trực thuộc Đại học đã được thành lập, đó là: Nhà xuất bản (2007), Trung tâm học liệu (2007), Bệnh viện thực hành (2007), Khối Cơ quan Đại học (2007), Khoa Ngoại ngữ (2008), Viện nghiên cứu Khoa học Sự sống (2008), Viện nghiên cứu Kinh tế - Xã hội và Nhân văn miền núi (2008), Viện nghiên cứu Phát triển công nghệ cao về kỹ thuật công nghiệp (2008) và Trung tâm Hợp tác quốc tế (2009); đồng thời nâng cấp Khoa KHTN và Xã hội thành Trường ĐH Khoa học (2008).
Giai đoạn này chủ yếu là thành lập các đơn vị nghiên cứu và phục vụ đào tạo. Đến nay, ĐHTN đã có 19 đơn vị thành viên, bao gồm: 06 trường đại học, 01 trường cao đẳng, 02 khoa chuyên môn trực thuộc, 01 trung tâm GDQP, 04 viện, trung tâm nghiên cứu và 05 đơn vị phục vụ đào tạo. Việc thành lập các đơn vị mới về đào tạo, nghiên cứu và phục vụ đào tạo đã hình thành nên mô hình hoàn chỉnh của một Đại học vùng, Đại học trọng điểm quốc gia. Đặc biệt, việc thành lập các Viện nghiên cứu đã làm tiền đề cho sự phát triển của Đại học thành Đại học nghiên cứu.
II. Sứ mệnh và tầm nhìn của Đại học Thái Nguyên:
Sứ mệnh:
Đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao; nghiên cứu, triển khai khoa học công nghệ và quản lý; thẩm định và đề xuất các giải pháp, chính sách phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Tầm nhìn:
Đại học Thái Nguyên sẽ là một xã hội học tập giành cho những người muốn học tập suốt đời:
Đại học Thái Nguyên là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao; nghiên cứu, triển khai khoa học công nghệ và quản lý tiên tiến; tham gia thẩm định và đề xuất các giải pháp, chính sách phát triển phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội bền vững của khu vực trung du, miền núi phía Bắc, góp phần đưa vùng phát triển cùng với tiến trình phát triển chung của đất nước theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, vì mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
- Cơ sở vật chất của Đại học sẽ được phát triển phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia và khu vực:
Đại học cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực trung du, miền núi phía Bắc, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực nói riêng và đất nước nói chung. Sinh viên tốt nghiệp Đại học được nhiều nhà tuyển dụng lựa chọn và trở thành các nhà quản lý tại các địa phương. Các nghiên cứu của Đại học góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội của khu vực nhanh, bền vững và hội nhập.
Chất lượng đào tạo của Đại học được chính phủ, các tổ chức xã hội công nhận và Đại học trở thành một trong các Đại học trọng điểm của Việt Nam.
III. Nhiệm vụ
Cung cấp cho khu vực miền núi trung du phía Bắc nói riêng và đất nước nói chung nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao về khoa học kỹ thuật đáp ứng nhu cầu phát triển của khu vực và đất nước.
Đội ngũ cán bộ của Đại học Thái Nguyên
Tổng số giảng viên: 2399
Giáo sư, phó giáo sư : 77
Tiến sỹ: 251
Thạc sỹ và tương đương: 1135
IV. Chiến lược phát triển của Đại học Thái Nguyên đến 2020
Phương hướng chung của Đại học Thái Nguyên từ nay đến năm 2020 là thực hiện thắng lợi “Đề án quy hoạch phát triển Đại học Thái Nguyên thành đại học trọng điểm; trung tâm đào tạo, khoa học của vùng đến năm 2020” đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt, đặc biệt chú trọng chỉ đạo và đầu tư các nguồn lực để thực hiện một số hoạt động trọng tâm dưới đây:
1. Phấn đấu đến năm 2011, ĐHTN trở thành một Đại học điện tử; công nghệ thông tin và truyền thông được ứng dụng sâu rộng trong quản lý, điều hành, giảng dạy, học tập, NCKH và các lĩnh vực hoạt động khác.
2. Đẩy mạnh đào tạo đội ngũ giảng viên có trình độ cao, phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ CBGD có trình độ sau đại học chiếm trên 80% tổng số CBGD (kể cả biên chế và hợp đồng)
3. Đẩy mạnh đào tạo sau đại học, phấn đấu đến năm 2020, đào tạo sau đại học chiếm tỷ trọng lớn trong hệ thống đào tạo của Đại học. Số hóa toàn bộ giáo trình các môn học (1800 môn) và các tài liệu tham khảo chính.
4. Tập trung đầu tư CSVC cho các Viện nghiên cứu, các phòng thí nghiệm trọng điểm theo hướng hiện đại, chuyên sâu có khả năng tạo ra các sản phẩm khoa học có tầm cỡ quốc gia và quốc tế; gắn NCKH với sản xuất, đời sống thông qua ký kết các hợp tác NCKH và chuyển giao CN giữa Đại học với các tỉnh trong vùng.
5. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo, NCKH, đặc biệt là liên kết đào tạo quốc tế, nhập khẩu chương trình đào tạo của nước ngoài nhằm nhanh chóng hội nhập quốc tế về giáo dục, đào tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh của Đại học ở trong nước và khu vực.
6. Tập trung xây dựng cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và NCKH theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; đảm bảo đầy đủ giảng đường, nhà làm việc; thiết bị phục vụ cho giảng dạy, học tập và NCKH.
Đại học Thái Nguyên