Bản năng săn mồi của loài rắn
>>> Ngắm "vẻ đẹp chết người" của loài rắn độc
Với cấu tạo hàm khá đặc biệt, hai hàm không gắn cố định và không có khả năng cắn xé mồi nên rắn có thể há miệng đủ to để nuốt chửng những con mồi lớn, có đường kính lớn hơn cả bề rộng cơ thể của chúng. Thức ăn của loài rắn thường là các loài động vật nhỏ như chim, chuột, thằn lằn, trứng của những con mồi này, hoặc một số loài như rắn hổ mang chúa lại ăn những loài rắn khác. Với nguồn thức ăn phong phú và đa dạng, loài rắn cũng sẽ tự phát triển những cách thức săn mồi khác nhau để tự giúp mình sinh tồn trong thế giới tự nhiên
Một trong những kẻ đáng sợ và đáng nể nhất trong các loài rắn về khả năng săn mồi là loài hổ mang đen Châu Phi.
Với cái đầu giống hình quan tài và cái miệng khoan, hổ mang đen còn có một cái tên gọi khác, đó là “hình bóng tử thần”. Với cơ thể dài và mảnh, hổ mang đen Châu Phi là kẻ nhanh nhất thế giới và cũng là kẻ hung dữ nhất. Khi bị làm phiền, con vật nóng tính này thường tấn công đáp trả một cách dữ dội và mạnh mẽ nhất. Nó có thể tấn công người hay các loài động vật khác từ trong bụi rậm với sự nhanh nhẹn và chính xác theo mọi hướng ngay cả khi đang di chuyển nhanh nhất.
Theo đường thẳng, loài hổ mang đen có thể di chuyển với tốc độ tối đa lên đến 12 dặm/h, gần bằng tốc độ ngựa chạy nước kiệu và nó cũng có thể tự văng mình xa tới 2m. Khi cảm thấy bị đe dọa, nó ngẩng cao 1/3 cơ thể 3m của nó lên khỏi mặt đất, đối mặt trực tiếp với kẻ thù và phát ra những tiếng kêu đầy hăm dọa. Không như hầu hết họ hàng, nó liên tiếp cắn vào nạn nhân và nọc độc của nó cũng gây ra cái chết nhanh chóng, chỉ với hai giọt nọc, nó có thể giết một người trong 20 phút.
Sâu trong vùng lưu vực sông amazon, một kẻ săn mồi khét tiếng khác là con trăn anaconda. Nó không giết con mồi bằng nọc độc mà bằng cách xiết chặt con mồi. Không như loài hổ mang đen hung dữ, loài trăn anaconda là những kẻ lầm lũi. Nó trườn xuống vũng nước nông để săn mồi, nó thường dò xét mặt nước bằng cách dựa vào sự chuyển động của mặt nước để đoán biết vị trí của con mồi. Nó nhẹ nhàng di chuyển đến gần con mồi, rút xuống bên dưới để chờ thời cơ, rồi bất ngờ quăng mình lên đớp lấy con mồi. Đồng thời, nó sử dụng toàn bộ cơ thể mềm dẻo của mình để quấn chặt lấy con mồi và từ từ xiết nhỏ lại cho đến khi con mồi chết vì ngạt thở. Giống như các loài rắn khác, con trăn anaconda có thể nới rộng cặp hàm để nuốt trọn con mồi lớn hơn đầu nó vài lần. Một con trăn anaconda lớn có thể nuốt trọn một con cá sấu và theo lời kể thì chúng thậm chí có thể giết và nuốt trọn một người.
Trên các vùng sa mạc nóng bỏng như sa mạc Namibia, cái nóng như thiêu đốt khiến mọi vật không thể chịu nổi và cách duy nhất là trốn khỏi ánh nắng trực tiếp bằng cách vùi mình thật sâu dưới lớp cát và loài rắn cũng không phải là ngoại lệ. Vào ban ngày, mặt cát hoàn toàn vắng vẻ. Nhưng ánh mặt trời dần tắt lịm, sự sống bắt đầu bò lên mặt cát. Loài rắn trườn ngang Châu Phi có thể nhỏ hơn con trăn anaconda, nhưng kỹ năng mai phục của nó thì tương tự. Khi màn đêm buông xuống, loài rắn săn mồi đã chọn cho mình một nơi ẩn nấp an toàn. Với bộ da màu xám, nó chính là vua ngụy trang. Cát hòa quanh lớp vảy của nó giúp nó biến mất khỏi tầm quan sát của các loài động vật khác. Nó chỉ việc nằm im, quan sát và chờ đợi con mồi của mình. Khi có một con thằn lằn di chuyển vào đúng tầm, con rắn chỉ việc vươn mình ra và đớp lấy với thời gian là 1/10 giây, nhanh hơn cả một cái chớp mắt, nọc độc của nó tiêm vào cơ thể con mồi và giết chết con mồi cũng chỉ trong vài giây.
Con rắn Viper Bắc Mỹ là kẻ tấn công và đớp con mồi nhanh nhất trong thế giới loài rắn, chúng có thể quăng mình vào nạn nhân, tấn công con mồi và thu mình về chỉ trong 1/16 giây, chỉ với 4 giọt nọc độc, nó có thể giết chết một người.
Hầu hết tất cả các loài rắn đều hạ con mồi bằng nọc độc, trừ một số loài sử dụng bản năng quấn và xiết chặt con mồi đến ngạt thở. Cặp răng nanh của rắn như những chiếc kim tiêm bơm thứ thuốc độc chết người vào hệ tuần hoàn của con mồi và con mồi thường không nhận ra cái gì đã đánh vào chúng, chỉ có một dấu vết để lại nói ra sự thật tàn nhẫn kia, đó chính là quá trình tiêu hóa thức ăn.
Với bản năng săn mồi bẩm sinh cùng với khả năng kết hợp những thông tin về con mồi do những giác quan đem lại, loài rắn đã trở thành một cỗ máy săn mồi thông minh nhưng đầy nguy hiểm. Sự đa dạng về cách thức săn mồi cũng đã giúp chúng phát triển khả năng thích nghi với nhiều loại môi trường sống khác nhau, giúp chúng sinh trưởng, phát triển và lướt đi trên khắp hành tinh, không ngừng để lại nỗi khiếp sợ cho những con mồi nhỏ bé – nạn nhân của loài rắn.