Kính thiên văn khổng lồ trên đỉnh Mauna Kea - Hawaii
Kính thiên văn vừa được chấp thuận cho xây dựng trên đỉnh ngọn núi lửa Hawaii sẽ là một trong những kính viễn vọng lớn nhất thế giới.
Văn phòng chính phủ Hawaii về nguồn tài nguyên đất và tự nhiên vừa cho phép đại học Hawaii xây dựng và vận hành kính thiên văn đường kính 30m (TMT) trị giá 1.3 tỉ USD trên đỉnh Mauna Kea, đỉnh núi lửa cao 13,803 foot (4207 m) trên đảo lớn của Hawaii
Giấy phép đã được xác nhận vào thứ 6 (25 tháng 2) là bước cuối cùng trong quá trình khảo sát nhiều năm. Cuộc khảo sát xem xét những tác động về môi trường và văn hóa của dự án đến người dân, nhân viên dự án TMT nói.
“Đội dự án TMT đã làm việc liên tục trong suốt 3 năm qua để thiết kế một đài thiên văn mà giảm thiểu tối đa các tác động môi trường và văn hóa”, Sandra Dawson, quản lý cộng đồng Hawaii của dự án TMT phát biểu trong một thông cáo “dự án TMT cũng đáp ứng những yêu cầu được nêu ra trong bản kế hoạch quản lý toàn diện của đỉnh Mauna Kea mới vừa được phê duyệt gần đây”
Một trong những kính thiên văn mạnh nhất trên thế giới.
Nhân viên dự án cho biết, kính viễn vọng mới sẽ quét bầu trời ở một loạt các bước sóng, từ vùng tử ngoại đến giữa vùng hồng ngoại. Gương chính đường kính 98 feet (30m) của nó sẽ cho phép kính viễn vọng có khả năng thu nhận ánh sáng gấp 9 lần những kính viễn vọng mạnh nhất hiện nay trong cả dãy ánh sáng nhìn thấy và hồng ngoại.
Để so sánh, Kính viễn vọng Keck ở Hawaii – thiết bị dùng để xác nhận sự tồn tại của rất nhiều các ứng viên là hành tinh ngoài hệ mặt trời vốn được phát hiện trước đó bởi kính Kepler của NASA – có gương đường kính 33 feet (10m).
Kính viễn vọng này sẽ có khả năng thấy được những vật thể cực kì xa và mờ, cho phép các nhà thiên văn học thấy được phần rìa của vùng vũ trụ khả kiến, gần với thời điểm khởi thủy của vũ trụ. Một hệ thống gương tương thích cải tiến cũng sẽ cho phép kính thiên văn quan sát với độ phân giải cao, cung cấp những bức ảnh sắc nét gấp 12 lần những bức ảnh được chụp bởi kính thiên văn vũ trụ Hubble, nhân viên dự án cho biết.
Nhân viên dự án cũng nói rằng, thiết bị mới có thể bắt đầu khởi công vào năm tới và bắt đầu hoạt động khoảng năm 2020, theo nhật báo Honolulu Star-Advertiser.
Vẫn chưa kết thúc
Sau cuộc chiến 5 năm để xác định địa điểm tốt nhất để đặt đài quan sát mới, những nhân viên dự án đã chọn đỉnh Mauna Kea vào tháng 7/2009. 13 kính viễn vọng khác đã nằm sẵn gần đỉnh của núi lửa này, minh chứng cho những điều kiện quan sát tuyệt vời của nó.
Dự án kính thiên văn đã hoàn tất bảng báo cáo môi trường, và sau đó đã được xác nhận của thống đốc Hawaii, Linda Lingle, vào năm 2010, nhân viên dự án cho biết. Qui trình cấp phép cũng bắt đầu vào năm đó, và những cuộc điều trần công khai đã được tổ chức vào mùa thu năm đó để cho người dân địa phương bình luận về việc xây dựng đài thiên văn này.
Không phải toàn bộ người dân Hawaii vui mừng về chiếc kính thiên văn 30m này.
Một vài người bày tỏ sự không bằng lòng về dự án bởi vì họ xem đỉnh Mauna Kea là thiêng liêng, tờ báo Honolulu Star-Advertiser tường thuật.
Vào thứ 6, Phòng quản lý nguồn tài nguyên đất và thiên nhiên của Hawaii (DNLR) đã chấp thuận đơn xin cấp phép của dự án, bật đèn xanh cho việc khởi công và hoạt động trên đỉnh Mauna Kea. Tuy nhiên, không phải mọi thứ đã hoàn toàn ổn thỏa; DNLR cũng đã chấp thuận yêu cầu của những người phản đối về việc tổ chức một cuộc điều trần cuối cùng để đưa ra các điều kiện của họ chống lại chiếc kính thiên văn, theo báo Star-Advertiser.
Dự án là một sự hợp tác quốc tế của nhiều thành viên bao gồm Caltech, Đại học California, hiệp hội các trường đại học Canada về nghiên cứu vũ trụ, đài quan sát vũ trụ quốc gia Nhật Bản, đài quan sát vũ trụ quốc gia của học viện khoa học Trung Quốc và phòng khoa học và kỹ thuật Ấn Độ.
Tải file Kính thiên văn khổng lồ trên đỉnh Mauna Kea - Hawaii tại đây