Tên lửa SpaceX Falcon phóng "cánh buồm mặt trời" vào năm 2016
LightSail, tàu vũ trụ không người lái thiết kế giống vệ tinh hay còn được gọi là "cánh buồn mặt trời", của Hiệp hội Hành tinh (Mỹ) sẽ được tên lửa đẩy hạng nặng SpaceX Falcon đưa lên quỹ đạo trong 2 năm tới, Bill Nye - người đứng đầu Hiệp hội Hành tinh nói với AFP.
Dự án được tài trở bởi các nhà hảo tâm và một số thành viên của Hiệp hội Hành tinh, được xem là hiệp hội không gian lớn nhất thế giới và được đồng sáng lập bởi nhà thiên văn học nổi tiếng người Mỹ Carl Sagan vào năm 1980.
Với LightSail, các nhà khoa học đầy phấn khích với viễn cảnh sẽ có những con tàu vũ trụ bay đến thám hiểm các ngôi sao và thiên hà mà không cần phải mang theo nhiên liệu.
"Cánh buồm mặt trời" LightSail dự kiến bay vào không gian trong năm 2016 - (Ảnh: AFP)
Theo kế hoạch, "cánh buồn mặt trời" sẽ vượt qua quỹ đạo Trái đất tầm thấp, nơi Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) đang hoạt động, để bay đến quỹ đạo Trái đất tầm trung.
Ban đầu, LightSail sẽ được chứa trong một tàu vũ trụ khác có tên Prox-1. Khi đến vị trí định trước, Prox-1 sẽ giải phóng "cánh buồn mặt trời" rồi sau đó bay theo và chụp hình nó.
Vài tuần sau khi đi vào quỹ đạo, các cánh phản chiếu ánh sáng của LightSail sẽ được trải ra rộng đến 32 mét vuông, khiến nó có thể được nhìn thấy từ Trái đất.
Theo Bill Nye thì một chuyến bay thử nghiệm, với loại tên lửa nhỏ hơn và nhắm đến quỹ đạo thấp hơn có thể sẽ được cố gắng thực hiện trong năm 2015.
Được biết, trong năm 2005, Hiệp hội Hành tinh cũng đã phóng một tàu vũ trụ sử dụng năng lượng mặt trời có tên Cosmos 1 nhưng thất bại do lỗi từ tên lửa đẩy của Nga.
Vào năm 2010, Cơ quan Thám hiểm không gian Nhật Bản (JAXA) thông báo đã phóng tàu IKAROS, và nói rằng đây là một sự chứng minh đầu tiên trên thế giới của tàu vũ trụ sử dụng năng lượng mặt trời.
Trong khi đó, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết, tàu vũ trụ sử dụng năng lượng mặt trời của họ là Sunjammer dự kiến sẽ cất cánh vào cuối năm nay.
Tải file Tên lửa SpaceX Falcon phóng "cánh buồm mặt trời" vào năm 2016 tại đây