Giấu báu vật văn hóa trên mặt trăng
Vào đêm Giáng sinh năm 1968, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã làm bùng nổ cơn giận dữ của những người vô thần khi các phi hành gia trên tàu con thoi Apollo 8 đọc những dòng trên sách Sáng thế trong lúc bay quanh quỹ đạo mặt trăng. Gần 50 năm sau, một nhóm các nhà nghiên cứu tại Israel đang lên kế hoạch gửi Ngũ thư Do thái giáo (kinh Torah) lên bề mặt chị Hằng. Cuộn giấy cói nổi tiếng ghi lại kinh Hebrew của người Do Thái có thể sẽ được phi thuyền mang lên mặt trăng cùng với các đồ vật quan trọng khác của nền văn minh trái đất, theo một phần nội dung của dự án Google Lunar Xprize. Đây là cuộc so tài giữa các công ty tư nhân trong nỗ lực gửi phi thuyền lên vệ tinh tự nhiên của địa cầu.
Theo trang tin New Scientist, nhóm chuyên gia tại Tel Aviv hy vọng sẽ gửi cuộn giấy cổ Sefer Torah lên bề mặt chị Hằng, và sau đó là bản kinh Vệ Đà của đạo Hindu và kinh Dịch. Chúng có thể sẽ lần lượt đổ bộ mặt trăng trong các khoang bảo vệ, cho phép những tài liệu quý này tồn tại hơn 10.000 năm nữa. “Đó là dự án tuyệt vời và hết sức ấn tượng”, trưởng nhóm Paul Aouizerate nói, “Chúng là những tài liệu cổ xưa nhất của trái đất, được tạo ra hơn 3.000 năm trước”. Để gây quỹ cho sứ mệnh, nhóm của ông đang hy vọng sẽ quyên được 20,5 triệu USD bằng việc sao chép lại từng chữ trong số 304.804 chữ trên kinh Torah và bán đấu giá cho các môn đồ.
Cuộn giấy cói ghi lại kinh Hebrew của người Do Thái - (Ảnh: mjaa.org.au)
Mục tiêu cuối cùng của dự án trên là đảm bảo một phần tinh túy của văn hóa trái đất có thể tồn tại trên mặt trăng trong tương lai lâu dài. Nếu địa cầu bị hủy diệt, chẳng hạn như chiến tranh hạt nhân hoặc tiểu hành tinh đâm vào bề mặt hành tinh xanh, phần di sản quan trọng của nhân loại sẽ không bị biến mất. Trước đây, nỗ lực trên đã từng được cân nhắc ở những mức độ khác nhau, với nhiều cơ quan và tổ chức lý luận rằng nhân loại cần tạo ra các “két sắt thời gian”, gìn giữ các nền văn hóa và xã hội trên trái đất. Trên thực tế, hai phi thuyền Voyager của NASA, hiện tiến đến không gian giữa các vì sao, đều mang theo cái gọi là “hồ sơ vàng”. Ống nhựa này chứa nhiều mẩu khác nhau của cuộc sống và văn hóa địa cầu, từ âm thanh của tự nhiên đến hình ảnh con người. Nếu được tìm thấy, nó sẽ là di sản của loài người trong vũ trụ xa xôi.
Trong khi đó, sứ mệnh lần này được lên kế hoạch sẽ theo một trong những tàu du hành tham gia cuộc thi Google Lunar XPrize lên mặt trăng. Ban đầu, nhóm của ông Aouizerate dự định chọn tàu đổ bộ do SpaceIL của Israel chế tạo, nhưng hợp tác thất bại. Mới đây, họ thử liên lạc với Đội mặt trăng Barcelona tại Tây Ban Nha nhưng vẫn chưa có thỏa thuận chính thức. Một thách thức khác nằm ở chỗ làm sao chế tạo được một khoang kín có thể duy trì nguyên trạng trong điều kiện khắc nghiệt trên mặt trăng. Ở phần có ánh sáng mặt trời, bề mặt chị Hằng có thể đạt đến 123°C vào ban ngày nhưng tụt xuống đến -173°C vào ban đêm. Nỗ lực của Cơ quan Không gian châu Âu để tạo ra khoang cất giữ kinh Torah trên mặt trăng đã thất bại, do thiết bị không chịu đựng nổi tình trạng thời tiết thay đổi quá nhanh và với tần suất cao.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên thế giới chứng kiến sự hòa hợp giữa tôn giáo với không gian. Như đã đề cập ở trên, các phi hành gia Apollo 8 đã đọc kinh Sáng thế khi trên quỹ đạo mặt trăng. Trong khi đó, Buzz Aldrin, phi hành gia trên tàu Apollo 11, đã thực hiện một nghi thức của Thiên Chúa giáo trước khi đặt chân xuống bề mặt chị Hằng vào tháng 7/1969. Và các nhà phi hành trên tàu Apollo 15 đã để lại kinh thánh trên thiết bị đáp khi rời khỏi mặt trăng vào tháng 7/1971.