Trung Quốc xây dựng mạng vệ tinh toàn cầu
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hồng Kông), trong lúc hoạt động tìm kiếm chiếc máy bay Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia vẫn chưa đem lại kết quả quan trọng gì, dự án xây dựng mạng lưới giám sát vũ trụ của Trung Quốc đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo cấp cao của nước này.
Hiện Trung Quốc đã đưa vệ tinh vào quĩ đạo nhưng chủ yếu các vệ tinh này chỉ tập trung vào nước này và khu vực lân cận. Con số vệ tinh chính xác là bí mật quốc gia của Trung Quốc.
“Nếu chúng ta có một mạng lưới giám sát toàn cầu, chúng ta sẽ không phải tìm kiếm trong bóng tối nữa. Chúng ta sẽ có cơ hội lớn hơn nhiều để tìm ra chiếc máy bay và dò ra vị trí cuối cùng của nó. Đã có một kế hoạch nhằm mở rộng năng lực giám sát khu vực của chúng ta”, Giáo sư Chi Tianhe, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu khoa học cảm ứng từ xa và Trái Đất kĩ thuật số, nhận xét.
Sau khi chiếc máy bay Boeing 777 mất tích, Viện cơ khí Trung Quốc đã gửi một lá thư của các nhà khoa học kì cựu khuyên các nhà lãnh đạo nước này bắt đầu xây dựng mạng lưới vệ tinh giám sát toàn cầu.
Trung Quốc đang xem xét xây dựng một mạng lưới vệ tinh giám sát qui mô toàn cầu
Giáo sư Chi cho rằng nếu dự án này được chính phủ Trung Quốc bật đèn xanh, dự án này có thể được hoàn thành sớm nhất trong 2 năm nữa. Nhưng chi phí sẽ không nhỏ. Chi phí cho mỗi vệ tinh là 400 triệu nhân dân tệ (64 triệu USD) điều đó có nghĩa toàn bộ dự án sẽ “ngốn” ít nhất 20 tỷ nhân dân tệ (3,2 tỷ USD).
Theo các số liệu thống kê từ Liên đoàn các nhà khoa học quan tâm, hiện có ít nhất khoảng 1.000 vệ tinh hoạt động trên quĩ đạo Trái Đất nhưng đa số các vệ tinh chỉ phục vụ mục tiêu thông tin liên lạc. Chỉ khoảng 150 vệ tinh được sử dụng cho nhiệm vụ theo dõi, cảm ứng từ xa và giám sát quân sự.
Giáo sư Liu Yu, một chuyên gia của Đại học khoa học Trái đất và vũ trụ thuộc Đại học Bắc Kinh cho rằng dự án này sẽ thay đổi lớn năng lực thu thập thông tin tình báo từ vũ trụ của Trung Quốc.
“Hiện các dịch vụ quốc tế về quan sát Trái Đất đang do Mỹ và các quốc gia châu Âu chi phối. Tuy nhiên nếu Trung Quốc phóng thêm hơn 50 vệ tinh nữa cho mục đích này, toàn bộ bức trang (về vệ tinh) sẽ thay đổi”, ông Liu nói.
Nhưng dự án này của Trung Quốc vẫn chưa được ấn định và đối mặt với một số vấn đề về công nghệ. Một trong số đó là các trung tâm vũ trụ hiện nay của Trung Quốc đang phải thực hiện các nhiệm vụ khác như phóng tàu vũ trụ hay khám phá Mặt trăng.
Hiện nay, mỗi năm Trung Quốc phóng khoảng 15 vệ tinh nhưng để dự án trên thành công nước này phải tăng gấp đôi con số đó.
Các chuyên gia về vũ trụ cho rằng với việc trung tâm vũ trụ Văn Xương ở đảo Hải Nam vừa được nâng cấp, năng lực tên lửa của Trung Quốc sẽ tăng lên, giúp dự án trên trở nên khả thi.
Theo chuyên gia Liu, Trung Quốc cũng cần phải nâng cấp chất lượng các thiết bị về hình ảnh.
Giáo sư Zhao Chaofang của Đại học Đại dương ở Thanh Đảo cho rằng Trung Quốc cũng cần phải phát triển thêm các cơ sở ở mặt đất nhằm giảm nhẹ và thúc đẩy năng lực gửi dữ liệu từ vệ tinh về mặt đất.
“Nhiều vệ tinh của Trung Quốc chỉ có thể truyền dữ liệu khi bay qua lãnh thổ Trung Quốc, vì thế đôi khi dữ liệu chúng ta nhận được chỉ là một phần nhỏ trong dữ liệu mà vệ tinh thu thập được. Để xây dựng một mạng lưới vệ tinh toàn cầu hoạt động hiệu quả như của Mỹ, chúng ta phải mở rộng các trung tâm dưới mặt đất ra nước ngoài”, ông nói.