Tiểu hành tinh giẫy chết
Những hình ảnh ấn tượng cho thấy, quá trình tự hủy của một thiên thạch kéo dài trong vài tháng đã được kính viễn vọng không gian Hubble ghi lại.
Tiểu hành tinh xấu số, được đặt tên P/2013 R3, đầu tiên đã được các kính viễn vọng khảo sát bầu trời Catalina và Pan-STARRS phát hiện vào ngày 15/9/2013.
Tiểu hành tinh P/2013 R3 trong quá trình tự hủy - (Ảnh: Hubble/NASA)
Hai tuần sau đó, đến lượt kính viễn vọng Keck tại Hawaii (Mỹ) tìm thấy trong tình trạng dường như có 3 thiên thể cùng di chuyển và được “gói” bên trong một bức màn bụi có bề ngang rộng như Trái đất.
Tuy nhiên, phải đến khi Hubble vào cuộc, các nhà thiên văn mới phát hiện tiểu hành tinh này thật sự có đến 10 mảnh khác nhau, với mỗi phần có đuôi kéo dài như sao chổi.
Trong đó, 4 mảnh lớn nhất có bề ngang đến 365m.
Báo cáo trên chuyên san Astrophysical Journal Letters cho thấy, những mảnh này trượt dần ra xa với tốc độ 1,6km/giờ, tức không bằng tốc độ đi bộ trong không gian.
Sau khi tiểu hành tinh nổ tung thành 10 mảnh nhỏ, những mảnh này sẽ dần dần bị phân hủy theo thời gian.
Dự kiến, một số mẩu nhỏ sẽ rơi vào khí quyển Trái đất và biến thành mưa sao băng trên bầu trời.
Về nguyên nhân tự hủy, giáo sư David Jewitt của Đại học California tại Los Angeles (Mỹ) cho rằng, ảnh hưởng của ánh sáng đã làm tăng tốc độ vòng quay, gây nên lực ly tâm khiến tiểu hành tinh bị xé toạc từ bên trong.