Phát hiện “nhà trẻ” sao
Nhóm chuyên gia của Đại học News South Wales (Úc) đang sử dụng kính viễn vọng Heat tại Nam Cực để vẽ bản đồ vị trí các đám mây khổng lồ chứa khí phân tử, tức những vật thể lớn nhất trong Dải Ngân hà đóng vai trò là nơi sinh ra những ngôi sao.
Kính viễn vọng Heat tự hoạt động mà không cần chuyên gia can thiệp - (Ảnh: RedOrbit)
“Đám mây khí mới được phát hiện có hình dạng như một dải sợi dài, với bề ngang khoảng 10 năm ánh sáng và kéo dài suốt 200 năm ánh sáng, trọng lượng gấp 50.000 lần mặt trời của chúng ta”, theo tờ The Australian dẫn lời trưởng nhóm Michael Burton.
Ông Michael Burton cho hay chứng cứ cho thấy nó đang trong giai đoạn đầu hình thành, trước khi có bất cứ ngôi sao nào xuất hiện.
Việc phát hiện đám mây thiên hà cách Trái đất khoảng 15.000 năm ánh sáng sẽ giúp các chuyên gia xác định được cách thức những vật thể bí ẩn này phát triển ở giữa lòng Dải Ngân hà.
Kính viễn vọng Heat đang được đặt trên đỉnh cao 3.962m gọi là Rìa A, một trong những nơi lạnh nhất trên bề mặt địa cầu, và cũng là nơi khô nhất, không có hơi nước trong không khí, cho phép bức xạ terahertz từ không gian đến được mặt đất và có thể được phát hiện.
“Chúng ta đang sở hữu một kính viễn vọng tự hành, quan sát Dải Ngân hà từ giữa lòng Nam Cực”, theo chuyên gia Burton.
Rìa A cách nơi có người sinh sống hơn 900km, và hoàn toàn không có ai lui tới trong suốt năm.