Kỹ thuật mới theo dõi bão mặt trời
Hợp tác với các đồng sự tại Mỹ và châu Âu, các nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Trung Quốc đã phát triển một kỹ thuật gọi là phép đo đạc tam giác hình học có thể tính toán được đường đi và tốc độ của các CME (tức đợt phun trào vật chất vành nhật hoa) trong lúc chúng di chuyển trong không gian.
Bão mặt trời là nỗi ám ảnh của con người thời hiện đại - (Ảnh: NASA)
Phép đo đạc tam giác, thường áp dụng trong các lĩnh vực như trắc địa và định hướng, liên quan đến việc sử dụng các kết quả quan sát từ 2 điểm khác nhau nhằm xác định vị trí của điểm thứ ba.
Chuyên gia Liu Ying và các đồng sự cho hay dữ liệu thu thập được từ sứ mệnh quan sát mặt trời của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) là STEREO, dựa trên hoạt động của phi thuyền đôi ở quỹ đạo Trái đất, có thể cung cấp phép đo đạc tam giác hình học nhằm xác định các thông số liên quan đến CME.
Dữ liệu này có thể cho phép dự đoán thời điểm CME sẽ đến Trái đất, cũng như chúng sẽ ập đến với vận tốc nào.
Việc theo dõi được đường đi của bão mặt trời có thể phần nào giảm thiểu thiệt hại đối với các phi thuyền, vệ tinh, phi hành gia trên quỹ đạo Trái đất, cũng như đối với mạng lưới điện, hệ thống mạng di động và định hướng bằng vệ tinh.