Vệ tinh VNREDSat-1 rời bệ phóng thành công
>>> VNREDSAT-1 sẽ được phóng vào sáng 7/5
Website chính thức của Công ty vận tải hàng không vũ trụ châu Âu Arianespace (Pháp), đối tác phóng vệ tinh VNREDSat-1, cũng là đối tác đã phóng thành công hai vệ tinh viễn thông VINASAT-1 và VINASAT-2 của Việt Nam, cho biết tên lửa đẩy VEGA đã rời bệ phóng tốt đẹp vào hồi 9h06 phút, giờ Hà Nội tại bãi phóng Kourou, Pháp.
Việc phóng thành công vệ tinh VNREDSat-1 vào quỹ đạo đã mở ra một trang mới trong lĩnh vực khoa học vũ trụ của Việt Nam.
Vệ tinh VNREDSat-1 hoạt động ở độ cao 670km với góc nghiêng là 98,1 độ và có trọng lượng là 120kg. Sau khi rời mặt đất 2 tiếng, vệ tinh VNREDSat -1 sẽ tách ra khỏi tên lửa đẩy VEGA và khởi động động cơ đẩy của mình để tự điều chỉnh tới quỹ đạo làm việc.
Công tác chuẩn bị cho vụ phóng diễn ra tốt đẹp.
Vệ tinh VNREDSat-1 là vệ tinh quang học quan sát trái đất, có khả năng chụp ảnh toàn bộ các khu vực trên bề mặt trái đất. Nhiệm vụ của nó là chụp ảnh ở kênh toàn sắc (PAN) và 4 kênh đa phổ (MS) với thời gian chụp lặp lại là 3 ngày. Vệ tinh có quỹ đạo đồng bộ mặt trời (SSO), độ cao là 680km. Độ phân giải mặt đất là 2,5m (PAN) và 10m (MS).
Vệ tinh VNREDSat-1 có thể chụp ảnh những vị trí trên trái đất để phục vụ cho các mục đích như chủ động theo dõi diễn biến của thiên tai, biến đổi khí hậu, đặc biệt là khi xảy ra những sự cố như bão lụt, cháy rừng, tràn dầu... Ngoài ra, VNREDSat-1 sẽ cung cấp ảnh vệ tinh phân giải cao phục vụ cho việc điều tra, kiểm kê tài nguyên rừng, đất nông nghiệp các loại; chỉnh lý các bản đồ địa hình, xây dựng các bản đồ cấu trúc kiến tạo địa chất phục vụ việc khảo sát thăm dò tìm kiếm khoáng sản; theo dõi sự di chuyển của cá, phục vụ đánh bắt xa bờ...
Tên lửa VEGA rời bệ phóng thành công.
Cục Tần số đã nhận được yêu cầu phối hợp từ 16 quốc gia bao gồm Brazil, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Ả Rập Xê Út, Belarus, Ai Cập, Libya, Đức, Nauru, Bahrain, Iran, Maroc cũng như 2 tổ chức vệ tinh: Arabsat (do Ả rập xê út đại diện) và Galileo (do Pháp đại diện) để phối hợp và loại bỏ can nhiễu đối với vệ tinh quốc gia khác.