NASA phát hiện hành tinh nhỏ nhất vũ trụ
Hành tinh mới được phát hiện, được đặt tên là Kepler-37b, có kích thước chỉ lớn hơn Mặt trăng một chút và mất 13 ngày để hoàn thành một vòng quỹ đạo quanh ngôi sao mẹ. Nhiệt độ trên bề mặt của hành tinh tí hon này lên tới 400 độ C, khiến nước và sự sống không thể tồn tại.
Hình ảnh mô phỏng hành tinh Kepler-37b.
Kepler-37b cùng với hai hành tinh khác quay quanh một ngôi sao giống Mặt trời, Nhưng dựa trên kích thước nhỏ bé và bề mặt quá nóng, các nhà thiên văn học nhận định hành tinh Kepler-37b dường như không có bầu khí quyển, tương tự như sao Thủy trong Hệ mặt trời của chúng ta.
Với kích thước chỉ bằng 80% sao Thủy, Kepler-37b là hành tinh đầu tiên trong vũ trụ được phát hiện nhỏ hơn bất cứ hành tinh nào trong Hệ mặt trời. Những phát hiện như thế này giúp các nhà thiên văn học hiểu hơn về các hệ hành tinh trong vũ trụ.
Trước đó, các nhà khoa học chỉ có thể phát hiện và xác định được những hành tình có kích thước lớn hơn và không hành tinh nào được phát hiện trước đây có đường kính nhỏ hơn những hành tinh trong Hệ mặt trời.
Thomas Barclay, một nhà nghiên cứu thiên văn học tại Trung tâm nghiên cứu Ames của NASA, cho biết: “Từ khi những hành tinh đầu tiên ngoài Hệ mặt trời được phát hiện, các nhà khoa học đã biết được những hệ hành tinh khác có thể hoàn toàn khác với Hệ mặt trời của chúng ta”.
Kính thiên văn không gian Kepler được đặt tên theo nhà thiên văn học người Đức vào thế kỷ 17 Johannes Kepler. Nó được phóng lên không gian vào 7/3/2009 với sứ mệnh quan sát và tìm kiếm trong thiên hà những hành tinh có kích thước tương tự như Trái đất.
Vào tháng 1 vừa qua, các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu của kính thiên văn Kepler và ước tính được có ít nhất 17 tỷ hành tinh trong thiên hà của chúng ta.