Năm 2013, hai lần chiêm ngưỡng nguyệt thực
Lần nguyệt thực thứ nhất diễn ra vào tối 25/4, là hiện tượng nguyệt thực một phần. Một dải rộng lớn gồm châu Phi, châu Mỹ, châu Úc và phần lớn châu Á, trong đó có Việt Nam, có thể quan sát trọn vẹn hiện tượng này.
Đây được coi là sự kiện thiên văn đáng chú ý nhất năm 2013 ở Việt Nam. Lần nguyệt thực thứ hai diễn ra vào tối 18/10. Khi đó, Mặt Trăng đi vào vùng bóng nửa tối của Trái đất và chuyển dần sang màu đỏ nhạt. Hiện tượng nguyệt thực nửa tối này có thể quan sát ở Việt Nam vào lúc hoàng hôn ngày 18/10.
Cũng năm nay, C/2012 S1, sao chổi được mong đợi nhất trong năm 2013, sẽ tiến gần Mặt Trời nhất vào ngày 28/11 với khoảng cách chỉ 1,2 triệu km. Khi đó C/2012 S1 sẽ đạt độ sáng rất lớn, theo phỏng đoán của nhiều nhà thiên văn học, có thể lớn hơn so với Mặt Trăng.
Ở Việt Nam có thể quan sát nó từ giữa tháng 11 vào lúc hoàng hôn và đầu tháng 12 trước lúc bình minh.
Người yêu thiên văn còn có thể chiêm ngưỡng nhiều trận mưa sao băng định kỳ. Năm nay, một trong hai trận mưa sao băng lớn nhất năm, mưa sao băng Perseids, đạt cực đại đêm 12, rạng sáng 13/8, có thể dễ dàng quan sát sau nửa đêm.
Tuy thế, trận mưa sao băng Geminids, cũng lớn nhất năm, đạt cực đại rạng sáng 14/12, lại khó quan sát hơn so với mọi năm vì ảnh hưởng của Mặt Trăng.
Năm 2013, nhiều hành tinh trong hệ Mặt Trời hội ngộ. Đêm 28/5, Kim Tinh, Mộc Tinh gặp nhau trên bầu trời tạo thành hai đốm sáng lung linh.
Đêm 23/6, Mặt Trăng về gần Trái Đất tạo ra siêu Mặt Trăng vào lúc 18h34 (giờ Việt Nam). Tháng 12 là khoảng thời gian Kim Tinh đạt vị trí cao nhất và độ sáng lớn nhất trên bầu trời hoàng hôn cuối năm.