Hàn Quốc lại hoãn sứ mệnh phóng vệ tinh
Hãng tin AFP dẫn lời Thứ trưởng Bộ Khoa học Hàn Quốc Cho Yul-Rae nói với các phóng viên tại Trung tâm Vũ trụ Naro ở bờ biển phía nam nước này rằng, vụ phóng tên lửa đã bị hoãn lại và vấn đề đã được phân tích.
Theo Thứ trưởng Cho Yul-Rae thì vụ phóng không thể diễn ra trong ngày hôm 29/11 (dự kiến ban đầu tên lửa rời bệ phóng vào lúc 16 giờ ngày 29/11 giờ địa phương, tức 14 giờ cùng ngày theo giờ VN), tuy nhiên ông này không cho biết thời điểm tiếp theo tên lửa có thể mang vệ tinh bay vào không gian.
Tên lửa Naro-1 trên bệ phóng tại Trung tâm Vũ trụ Naro
Được biết, đây là nỗ lực thứ ba của Hàn Quốc trong sứ mệnh tự mình phóng vệ tinh vào quỹ đạo để gia nhập câu lạc bộ các quốc gia làm chủ công nghệ không gian, trong đó có các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ.
Trước đó, tên lửa KSLV-1, còn được gọi là Naro-1 nặng 140 tấn, đã hai lần thất bại khi vệ tinh không thể tách khỏi tên lửa để đi vào quỹ đạo hồi năm 2009 và tên lửa nổ tung chỉ hai phút sau khi rời bệ phóng vào năm 2010.
Đây cũng là lần thứ hai liên tiếp, tên lửa Naro-1 bị hoãn phóng vào giờ chót do vấn đề kỹ thuật. Lịch phóng ban đầu của nó là vào ngày 26/10 qua, tuy nhiên các kỹ sư đã phát hiện có lỗi ở bộ phận kết nối giữa bệ phóng và tầng đầu tiên của tên lửa.
Theo Thứ trưởng Cho Yul-Rae thì trục trặc lần này liên quan tới bộ phận kết nối giữa hệ thống động cơ đẩy với tầng thứ hai của tên lửa.
Được biết, tầng hai của Naro-1 - tên lửa gồm hai tầng sử dụng nhiên liệu rắn - do Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc (KARI) chế tạo; trong khi tầng đầu tiên do Trung tâm Nghiên cứu và Chế tạo không gian Khrunichev (Nga) thực hiện.
Theo AFP, tham vọng không gian của Hàn Quốc trong những năm qua bị kiềm chế bởi đồng minh Mỹ do Washington lo ngại việc đất nước Đông Á này phát triển chương trình tên lửa trên sẽ kéo theo sự chạy đua vũ trang trong khu vực, đặc biệt là đối với CHDCND Triều Tiên.
Trong khi đó, Nhật Bản và Trung Quốc đã có đợt phóng vệ tinh đầu tiên trong thập niên 1970, Ấn Độ thành công trong thập niên 1980. Còn Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á, do thiếu sự hỗ trợ của Mỹ đã phải tụt lại phía sau.
Từ năm 2001, nước này đã cộng tác với Nga để triển khai chương trình không gian của mình.