Phát hiện hành tinh "vô gia cư"
Các nhà khoa học tại Đại học Montréal (Canada) lần đầu tiên xác định một hành tinh cô đơn hay còn gọi là “hành tinh không nhà” bởi nó không quay quanh quỹ đạo của một ngôi sao nào.
Hành tinh mang tên CFBDSIR2149, có kích thước lớn gấp 7 lần sao Mộc, nhiệt độ khoảng 400°C, nằm cách chúng ta từ 50-120 triệu năm ánh sáng.
Giới khoa học tin rằng đây là thành phần của một nhóm khoảng 30 ngôi sao rất trẻ được gọi là nhóm di động AB Doradus.
Hành tinh CFBDSIR2149
Hành tinh này trôi tự do, không có mối liên hệ trọng lực nào nhưng vẫn đủ những tiêu chuẩn đặc biệt như khối lượng, nhiệt độ và độ tuổi để được xác nhận là một hành tinh.
Hành tinh CFBDSIR2149 được phát hiện nhờ vào dữ liệu của kính thiên văn cực lớn tại Đài Quan sát Nam Âu và kính thiên văn Canada-France-Hawaii cùng sự cộng tác của các nhà khoa học Pháp.
Dù giới thiên văn học đã biết đến sự tồn tại của dạng hành tinh “vô gia cư” từ lâu nhưng quá trình tìm kiếm hơn một thập niên vừa qua chẳng khác nào "tìm một cây kim trong nhiều đống cỏ khô". Đây là lần đầu tiên họ quan sát được.
Chuyên gia vật lý thiên văn tại Đại học Montréal Étienne Artigau khẳng định: “Chúng tôi đã quan sát hàng trăm triệu ngôi sao và hành tinh nhưng chỉ mới phát hiện được một hành tinh không nhà ở gần chúng ta”.
Tuy nhiên, một số nhà thiên văn không nhất trí về việc xếp loại vật thể không gian nói trên thuộc dạng hành tinh hay ngôi sao không hình thành vì những vật thể này không có phản ứng hạt nhân ở trung tâm, được gọi là Brown dwarf.