Thêm bằng chứng về nước trên sao Hỏa
Một thiên thạch có nguồn gốc từ sao Hỏa cách đây khoảng 700.000 năm, đã rơi xuống Trái đất tại khu vực sa mạc gần thị trấn Tissint ở miền nam Ma-rốc vào tháng 7 năm ngoái. Các nhà khoa học sau đó đã đặt tên cho thiên thạch này là Tissint.
Thiên thạch Tissint nặng khoảng 1kg và đường kính 12cm, đã được phân tích bởi một nhóm các nhà khoa học quốc tế, bao gồm các chuyên gia đến từ Bảo tàng lịch sử tự nhiên ở London (Anh) - nơi thiên thạch này đang được trưng bày.
Thiên thạch Tissint đang được trưng bày tại Bảo tàng lịch sử tự nhiên London.
Tiến sĩ Caroline Smith, chuyên gia về thiên thạch tại Bảo tàng lịch sử tự nhiên London, cho biết trên Daily Mail: “Một trong những thông tin quan trọng về thiên thạch Tissint mà chúng tôi phát hiện là một số chất hóa học trong thiên thạch này cho thấy rằng nó có nguồn gốc gần với bề mặt sao Hỏa hay thậm chí trên bề mặt của hành tinh này”.
Kết quả phân tích cũng cho thấy thiên thạch chứa một lượng lớn thủy tinh đen, được tạo ra bởi sức nóng từ một tảng đá bị nóng chảy. Các nhà khoa học khẳng định rằng những nguyên tố được tìm thấy trong thủy tinh không phải từ Trái đất. Một trong những nguyên tố này là xeri - rất phổ biến trên bề mặt sao Hỏa.
“Thiên thạch giàu nguyên tố xeri xảy ra có thể là do nó đi nằm gần bề mặt của sao Hỏa. Nước hay chất lỏng khác đã mang theo nguyên tố xeri từ bề mặt Hành tinh đỏ và thấm vào các khe hở trong thiên thạch”, tiến sĩ Caroline Smith giải thích.
Các nhà khoa học không biết quá trình này xảy ra khi nào, nhưng nó có thể xảy ra ở thời điểm trước khi thiên thạch bị bắn khỏi sao Hỏa do ảnh hưởng của một vụ va chạm giữa hành tinh này với một thiên thạch trong vũ trụ. Nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy nitơ từ bầu khí quyển của sao Hỏa trong thủy tinh đen.
Tiến sĩ Caroline Smith cũng cho biết, các nhà khoa học trên Trái đất có thể phân tích thành phần trên sao Hỏa thông qua thiên thạch này với độ chính xác cao, mà không cần sử dụng những robot như tàu thăm dò Curiosity của Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA) đáp xuống Hành tinh đỏ mới đây.