Hành tinh tồn tại được giữa lõi Ngân hà?
Tại trung tâm của dải Ngân hà, các ngôi sao chen chúc chật nít sát nhau, những vụ nổ siêu tân tinh phóng ra các đợt sóng xung kích và bức xạ kinh khủng, chưa kể “con quái vật” hố đen tham lam nuốt trọng mọi vật mon men đến gần. Thật là một môi trường quá khắc nghiệt để hành tinh có thể tồn tại.
Hành tinh vẫn có thể tượng hình bên trong môi trường
khắc nghiệt ở trung tâm của dải Ngân hà - (Ảnh: CfA)
Dù vậy, các nhà thiên văn học thuộc Trung tâm Vật lý học Thiên thể Harvard-Smithsonian (Mỹ) cho rằng các hành tinh vẫn có thể hình thành trong điều kiện rối loạn đến như vậy, theo Space.com.
Họ đã rút ra kết luận trên khi phát hiện một đám mây hydrogen và helium lao vào trung tâm dải Ngân hà, một đám mây mà theo các chuyên gia là phần tàn dư còn sót lại của một đĩa hành tinh đang quay quanh một ngôi sao giấu mặt.
“Ngôi sao trên đã bị quẳng vào trung tâm của hố đen. Hiện nó đang tận hưởng chuyến hành trình đầy cảm giác mạnh mà chẳng phải thiên thể nào cũng có. Trong khi ngôi sao sẽ sống sót trước cuộc chạm trán nẩy lửa, đĩa hành tinh của nó sẽ không may mắn đến vậy”, theo trưởng nhóm nghiên cứu Ruth Murray-Clay.
Ngôi sao đó có thể bắt nguồn từ một vòng sao đang quay quanh trung tâm dải Ngân hà, và những ngôi sao này vẫn duy trì vị trí của chúng trong vòng sao, dẫn đến sự hình thành các hành tinh bất chấp môi trường khắc nghiệt bao quanh.