Phát hiện thêm 41 hành tinh mới
Bốn mươi mốt hành tinh mới phát hiện hiện được công bố trong 2 nghiên cứu riêng biệt sau khi các nhà khoa học phân tích những dữ liệu từ kính thiên văn không gian Kepler của Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA). Cho tới nay, kính thiên văn Kepler đã phát hiện và xác nhận 115 hành tinh và gần 800 hành tinh được các thiên văn học xác nhận tồn tại trong vũ trụ.
“Những hành tinh mới phát hiện được công bố trong 2 nghiên cứu khác nhau tại cùng một thời điểm. Rất hiếm khi có 27 hành tinh mới được phát hiện và xác nhận trong một nghiên cứu”, tiến sĩ Jason Steffen tại Trung tâm nghiên cứu vật lý học thiên thể Fermilab (Mỹ) và là người đứng đầu 1 trong 2 nghiên cứu, cho biết trên Live Science.
Kính thiên văn không gian Kepler của NASA. (Ảnh: Live Science)
Tiến sĩ Jason Steffen và các cộng sự phát hiện 27 hành tinh mới nằm trong 13 hệ sao khác nhau, trong khi 24 hành tinh mới còn lại năm trong 12 hệ sao được phát hiện và xác nhận trong một nghiên cứu của tiến sĩ Jiwei Xie và các cộng sự thuộc trường đại học Toronto (Canada). Cả 2 nghiên cứu đều sử dụng dữ liệu từ kính thiên văn không gian Kepler.
“Phát hiện mới này giúp chúng ta có thêm thông tin về sự tương tác giữa các hành tinh và hiểu hơn về vị trị của Trái đất và Hệ mặt trời trong tổng thể các hệ sao được phát hiện và xác nhận cho tới nay. Một điểm đáng chú ý rằng số lượng hành tinh trong Hệ mặt trời hiện tại chỉ chiếm 1% trong tổng số hành tinh trong vũ trụ mà chúng ta đã phát hiện”, tiến sĩ Jason Steffen cho biết.
Kính thiên văn không gian Kepler xác nhận những hành tinh mới trong vũ trụ bằng phương pháp đo ánh sáng từ ngôi sao mẹ đi qua hành tinh đó. Phương pháp này đòi hỏi rất nhiều thời gian để theo dõi và cần những thiết bị mặt đất để phân tích kỹ lưỡng hơn dữ liệu từ kính viễn vọng này.
Nhiệm vụ chính của kính thiên văn không gian Kepler, có trị giá khoảng 600 triệu USD, là tìm kiếm những hành tinh giống với Trái đất - nằm ở vị trí có thể tồn tại nước ở dạng lỏng và sự sống giống như trên hành tinh của chúng ta.