Chuẩn bị đối phó với bão mặt trời cực mạnh
Các hệ thống lưới điện, thông tin liên lạc và vệ tinh có thể bị trục trặc do bão mặt trời mạnh vào năm sau.
Mike Hapgood, chuyên gia về thời tiết vũ trụ ở Phòng thí nghiệm Rutherford Appleton (Mỹ), cho biết: “Chính phủ Mỹ đang rất chú ý tới vấn đề này. Các sự cố có thể ít xảy ra nhưng khi đã xảy ra thì sẽ gây hậu quả nặng nề”.
Hapgood cảnh báo bão mặt trời được đưa vào các kế hoạch phòng chống thảm họa, cùng với sóng thần và núi lửa phun.
Mỗi thập kỷ, cơ hội xảy ra một trận bão mặt trời cực mạnh là 12% - tương đương 100 năm sẽ có 1 trận bão từ cực mạnh. Trận bão từ lớn nhất xảy ra cách đây hơn 150 năm.
Bề mặt mặt trời bùng lên nhừng chùm plasma mang từ trường mạnh.
Mối đe dọa mà bão mặt trời gây ra xuất phát từ những chùm plasma mang từ trường lớn tỏa ra từ các vầng nhật quang lớn.
Giống như những bong bóng lớn bùng lên từ bề mặt mặt trời, chúng mang theo hàng triệu tấn khí chuyển động cực nhanh trong không gian và có thể “nuốt trọn” trái đất.
Chúng gây ra những trận bão địa từ, có sức phá hoại lớn tới mức làm nóng chảy cả các máy biến thế cỡ lớn trên đường lưới điện quốc gia.
Các vệ tinh có thể bị phá hỏng hoặc hư hại, tín hiệu radio, bao gồm cả tín hiệu của máy bay bị ngắt.
Một nhóm nhà khoa học ở Bắc Mỹ và châu Âu theo dõi hoạt động của mặt trời gửi thông báo cảnh báo tới các chính phủ, các công ty điện lực và các đơn vị điều hành không lưu.
Năm 1989, một trận bão mặt trời lớn đã làm gián đoạn toàn bộ mạng lưới điện ở Quebec, Canada. Hậu quả là nhiều triệu người bị mất điện trong 9 tiếng đồng hồ.
Trận bão mặt trời lớn nhất xảy ra vào năm 1859, khi nhà thiên văn học người Anh Richard Carrington quan sát được một đợt bùng phát từ mặt trời mạnh đến mức nó chỉ mất 17 giờ đã tới khí quyển trái đất.
Nó khiến các chùm sáng phương Bắc bùng lên mạnh đến mức có thể quan sát được ở tận vùng Caribbean.