Không phát hiện được dấu hiệu sự sống tại Gliese 581
Các nhà thiên văn học thuộc Đại học Curtin (Úc) đã dùng thiết bị kính viễn vọng vô tuyến tại 3 đài thiên văn để “nghe trộm” hệ thống sao Gliese 581, vốn cách trái đất 20 năm ánh sáng.
Sao lùn đỏ Gliese 581 được cho là chứa đến 2 hành tinh có khả năng mang sự sống, theo kết quả nghiên cứu trước đây của các chuyên gia trái đất.
Do là sao lùn đỏ, Gliese 581 có kích thước nhỏ hơn và ánh sáng yếu hơn mặt trời của chúng ta. Vì vậy, khu vực có khả năng chứa sự sống xung quanh ngôi sao này đông đúc hơn hệ mặt trời.
Theo đó, Gliese 581d - một siêu trái đất có khối lượng gấp 7 lần địa cầu - đang quay ở vòng ngoài của khu vực có thể tồn tại sự sống, với quỹ đạo dài 64 ngày.
Gleise 581g - khối lượng gấp 3 lần trái đất - gây ấn tượng hơn khi chỉ mất 37 ngày là hoàn thành một vòng quay.
Sau 8 giờ khảo sát Gliese 581, tổng cộng có đến 222 tín hiệu vô tuyến được phát hiện, nhưng không tín hiệu nào xuất phát từ hệ thống sao này, theo báo cáo đăng trên chuyên san The Astrophysical Journal.
Dù lần xuất quân đầu tiên thất bại, các chuyên gia theo đuổi chương trình SETI (tìm kiếm nền văn minh ngoài trái đất) cho biết Gliese 581 chỉ là một trong số hàng triệu hệ thống sao tiềm năng chứa đựng sự sống trong vũ trụ bao la.
Kính thiên văn không gian Kepler ước tính có khoảng 50 tỉ hành tinh trong Dải Ngân hà, với 500 triệu hành tinh nằm trong khu vực có thể tồn tại sự sống.
Tải file Không phát hiện được dấu hiệu sự sống tại Gliese 581 tại đây