Mưa sao băng xuất hiện vào ngày mai
Ông Nguyễn Đức Phường, Phó tổng thư ký Hội thiên văn và vũ trụ Việt Nam, cho biết, cùng với nhiều nước trên thế giới, Việt Nam có thể quan sát trận mưa sao băng Geminids - Song Tử khoảng 2h sáng ngày 14/12.
Vào giai đoạn cực điểm, số vệt sáng trong trận mưa sao băng có thể đạt 120 vệt/giờ. Tuy nhiên, mặt trăng nằm ngay vị trí trung tâm của chòm sao Song Tử nên ánh sáng của nó làm mờ các sao băng, khiến việc quan sát trở nên khó khăn.
"Bầu trời trong mấy buổi tối gần đây thường trong, không nhiều mây đen nên những người yêu thiên văn có thể quan sát hiện tượng thiên văn cuối cùng của năm nay", ông Phường cho hay.
Đặng Vũ Tuấn Sơn, chủ nhiệm câu lạc bộ thiên văn trẻ Việt Nam, nói người quan sát không cần dùng kính thiên văn hay bất cứ vật dụng nào mà chỉ cần mắt thường để quan sát.
"Mặt trăng quá sáng sẽ che mờ các sao băng tại trung tâm của chòm sao Geminids. Do đó, để quan sát được một số sao băng, chúng ta không cần tập trung điểm nhìn vào trung tâm của nó mà hãy quan sát các vùng cách mặt trăng khoảng 20 đến 30 độ, các vùng trời tối hơn gần đó. Như vậy cơ hội thấy sao băng sẽ lớn hơn", Tuấn Sơn nói.
Theo ông Phương, khi quan sát sao băng người xem cần chọn vùng thoáng để có thể bao quát cả bầu trời, đồng thời hướng mắt về phía chòm sao Song Tử là tâm điểm của trận mưa sao băng ở hướng đông. Khi quan sát, người dân không nên rời mắt khỏi bầu trời, ngay cả lúc cực điểm vì khi nhìn liên tục trong 10 phút mới thấy một vệt sao băng qua.
Mưa sao băng Geminids là hiện tượng diễn ra hàng năm do hàng loạt mẩu đá nhỏ (thiên thạch) lao vào khí quyển trái đất khi trái đất đi qua vùng không gian chứa chúng. Những mẩu đá là tàn tích mà sao chổi 3200 Phaethon để lại khi nó bay vào hệ Mặt Trời.