Tìm kiếm theo cụm từ

  Đề tài nghiên cứu khoa học... xếp ngăn kéo (Bài 3)

Đã có nhiều chế phẩm sinh học được nghiên cứu với các ưu điểm như không gây ô nhiễm môi trường; an toàn... Dù lợi ích là thế, nhưng sản phẩm làm ra chỉ dừng lại ở mô hình sản xuất thử

Bài 3: Nghiên cứu một đằng, nhu cầu một nẻo.

Việc nghiên cứu và phát triển các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp đang là một hướng đi đúng đắn để hướng tới một nền nông nghiệp bền vững. 


Theo TS Dương Hoa Xô, Trung tâm Công nghệ sinh học Thành phố Hồ Chí Minh, trong danh mục các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), nếu như năm 2000 chỉ có 2 sản phẩm thuốc trừ sâu sinh học được công nhận thì đến nay đã có 193 sản phẩm được cấp giấy phép đăng ký, nâng tổng số có 479 sản phẩm sinh học được phép lưu hành, trong đó có 300 loại thuốc trừ sâu và 98 sản phẩm thuốc trừ bệnh.

Đã có những thành công

Có thể nêu một số thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, như VINEEM 1500 EC là sản phẩm của Công ty thuốc sát trùng Miền Nam, được chiết xuất từ nhân hạt Neem (Azadirachta indica A. Juss) có chứa hoạt chất Azadirachtin, có hiệu lực phòng trừ nhiều lọai sâu hại trên cây trồng như lúa, rau màu, cây công nghiệp, cây ăn trái, hoa kiểng.

Loại thuốc có nguồn gốc thảo mộc này không tạo nên tính kháng của dịch hại, không ảnh hưởng đến thiên địch và không để lại dư lượng trên cây trồng. Thuốc tác động đến côn trùng gây hại bằng cách gây sự ngán ăn, xua đuổi, ngăn sự lột xác của côn trùng cũng như ngăn cản sự đẻ trứng là giảm khả năng sinh sản của chúng. 

Mới đây, bằng kỹ thuật công nghệ sinh học, các nhà khoa học Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu và sản xuất ra 7 loại chế phẩm thuộc nhóm thuốc trừ sâu sinh học như chế phẩm vi sinh BT (Bacciluss Thuringiensis var) có nguồn gốc vi khuẩn, phổ diệt sâu rộng và hữu hiệu đối với các loại sâu như sâu cuốn lá, sâu tơ, sâu xanh, sâu khoang, sâu ăn tạp… 

Sâu khi ăn phải thuốc sẽ ngừng ăn sau vài giờ và chết trong khoảng từ 1 – 3 ngày sau khi phun, cho kết quả tốt trong phòng thí nghiệm và ngoài đồng, đạt hiệu quả phòng trừ từ 75-89%; Chế phẩm nấm côn trùng trừ sâu hại có hoạt lực diệt côn trùng cao; Chế phẩm nấm đối kháng trừ bệnh hại; Chế phẩm tuyến trùng sinh học trừ sâu hại cây trồng; Chế phẩm Momosertatin trừ sâu hại rau; Chế phẩm kháng sinh Ditacin có nguồn gốc từ xạ khuẩn và chế phẩm nấm đối kháng trừ bệnh hại cây trồng.

Ngoài ra còn có các loại chế phẩm sinh học khác trong phòng trừ và tiêu diệt ốc bươu vàng, ngăn ngừa rầy nâu, bọ xít, cào cào, rệp sáp, nhện đỏ và các loại côn trùng có hại phá hoại mùa màng.

Đến tay nông dân còn ít

Tuy nhiên, đối với nông dân, loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học còn rất xa lạ. Bà Nguyễn Thị Hồng, HTX nông nghiệp Phú Hữu, Thanh Lâm, Mê Linh, Hà Nội cho biết bà không sử dụng thuốc BVTV sinh học bao giờ, bởi đơn giản không biết chúng được bán ở đâu và chưa thấy ai nhắc đến chúng bao giờ, kể cả các buổi tập huấn do trung tâm khuyến nông của huyện tổ chức.

Theo tính toán của viện BVTV, hiện nay việc sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học còn rất khiêm tốn chỉ chiếm khoảng dưới 10%, còn trên 90% là vẫn sử dụng các loại thuốc BVTV hóa học, mặc dù các nhà khoa học đều khẳng định ưu điểm rất lớn của thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học là tạo ra các sản phẩm sạch cho người dùng, không làm mất đi quần thể thiên địch có ích trong tự nhiên, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và không cần phun nhiều lần mà vẫn duy trì được hiệu quả.

Theo các chuyên gia, nghiên cứu triển khai chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp ở nước ta còn hạn chế do các cơ sở thực nghiệm về công nghệ sinh học còn nhỏ hẹp, tản mác, số lượng ít ỏi. Hầu hết các nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở quy mô phòng thí nghiệm hay sản xuất thử cho các mô hình chứ ít được thương mại hóa. 

Ông Nguyễn Thanh Tùng, phó trưởng ban Chính sách đổi mới và thị trường công nghệ (Viện chiến lược và chính sách khoa học và công nghệ) cho rằng, nếu kết quả nghiên cứu tốt thì việc thương mại hóa sản phẩm không đáng lo ngại. Mà vấn đề cơ bản nhất là cơ chế quản lý đề tài nghiên cứu khoa học hiện nay còn nhiều bất ổn. 

Có một thực tế là nhiều đề tài từ Bộ giao cho các đơn vị nghiên cứu nhưng lại không bám sát nhu cầu xã hội, khiến nghiên cứu ra không áp dụng được vào thực tế. Trong khi những đề tài nghiên cứu ở cơ sở thì đáp ứng nhu cầu thực tế nhưng lại không được duyệt hoặc mức kinh phí để thực hiện đề tài không nhiều. Do đó kết quả nhiều nghiên cứu bị lãng quên hoặc chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ.

Theo TS Dung, khi phân phối sản phẩm, người ta thường quá quan tâm quảng bá cho các các loại thuốc sâu hóa học nên các chế phẩm sinh học không còn chỗ chen chân. Chính vì tuyên truyền và phố biến kiến thức chưa tốt nên người nông dân chỉ muốn dùng loại thuốc trừ sâu nào mà có hiệu quả tức thời, sử dụng thuận tiện chứ nghĩ gì đến thuốc trừ sâu sinh học.

Thanh Lâm

Theo baodatviet.vn

Tải file Đề tài nghiên cứu khoa học... xếp ngăn kéo (Bài 3) tại đây