“Vũ khí” mới ngăn nạn phá rừng
Tổ chức Nghiên cứu Nông nghiệp Brazil (INPE) và Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đang lên kế hoạch phóng vệ tinh mang tên Đài quan sát hệ sinh thái mặt đất toàn cầu (GTEO), nhằm theo dõi được nạn phá rừng và ảnh hưởng đến hệ sinh thái quanh khu vực rừng nhiệt đới Amazon và những hệ sinh thái khác quanh Trái đất.
GTEO có thể theo dõi quá trình phát triển của thảm thực vật toàn cầu qua một máy quay tia hồng ngoại, sẽ chia tách dữ liệu với tính chính xác cao. Sử dụng công nghệ này sẽ tiêu tốn hết 250 triệu USD, song giúp các nhà khoa học dự báo được tác động của chuỗi phản ứng carbon và hệ sinh thái trong những điều kiện khí hậu khác nhau.
GTEO sẽ được phóng vào năm 2016 và cung cấp thông tin rõ ràng vềloại thực vật đang bị phát quang trên mặt đất.
Người đứng đầu của Cơ quan vũ trụ Brazil, ông Gilberto Camara, cho hay thiết bị mới này sẽ thúc đẩy quá trình phục hồi lại những hệ sinh thái đã bị con người tàn phá.
“Chúng tôi muốn làm nhiều việc hơn nữa để bảo vệ hệ sinh thái trong khi nhiều cây hoặc nhiều cây bụi bị con người tàn phá, đồng thời chúng tôi muốncó thêm những bằng chứng chi tiết hơn về sự tăng trưởng của cây và thảm thực vật”, ông Gilberto Camara, nói.
Điều phối viên của tổ chức Greenpeace, ôngMarcio Astrini cho hay, Brazil có hệ thống theo dõi phá rừng tiên tiến nhất trên thế giới. Tuy nhiên, cháy rừng, nạn phá rừng và tập quán làm nương rẫy của những người nông dân vẫn là nguyên nhân chính dẫn tới nạn phá rừng gia tăng.
Để giảm nạn phá rừng, theo ông Camara, GTEO được phóng lên sẽ cung cấp nhiều thông tin rõ ràng hơn cho các nhà khoa học theo dõi thảm thực vật ở rừng. “Đây được coi là “vũ khí” mới hữu hiệu ngăn chặn nạn phá rừng, bổ sung thêm vào hai nghiên cứu trước đó được thực hiện bởi Trường ĐH Sao Paulo và Trường ĐH quốc gia Brasilia, đã chỉ ra tỷ lệ phá rừng ở Brazil sẽ tăng lên 40% vào năm 2020”, ông Camara tiết lộ.