Vệ tinh phát hiện nhanh di tích cổ đại
>>> Video: Phát hiện di tích cổ đại nhờ vệ tinh
Mỗi lần phát hiện được một kim tự tháp mới tại Ai Cập là một lần không chỉ Ai Cập mà cả các nhà khảo cổ học thế giới vui mừng. Vậy mà gần đây người ta đã phát hiện thêm 17 cái trong thời gian ngắn. Ngoài ra, còn tìm thấy hàng nghìn ngôi mộ, ba nghìn điểm dân cư cổ. Điều kỳ diệu là tìm thấy những di tích quý báu ấy mà chẳng cần cuốc hoặc xẻng trong tay.
Tiến sĩ Parcak đang chỉ ra những nơi phát hiện các di chỉ cổ từ tấm bản đồ vệ tinh. (Ảnh: BBC)
Công cụ giúp các nhà khảo cổ làm được kỳ tích đó chỉ là một vệ tinh phát tia hồng ngoại bay trên quỹ đạo ở độ cao 700 kilomet. Các ngôi nhà và công trình xây dựng của người Ai Cập cổ, xây bằng gạch đất sét nén ép chặt, có tỷ trọng lớn hơn nhiều so với đất sét thường. Các bức ảnh chụp bằng tia hồng ngoại từ trên cao thấy rất rõ hình dáng những ngôi nhà, đền thờ, lăng mộ, nằm dưới lớp đất dày.
Lúc đầu, các quan chức chính phủ Ai Cập rất hoài nghi về cách nghiên cứu này. Nhưng khi các nhà khảo cổ đến những điểm vệ tinh đã chỉ điểm, đào bới cẩn thận để kiểm tra thực hư thì họ đã tâm phục khẩu phục. Tất cả đều trùng khớp và nay thì họ đã tin rằng công nghệ tìm kiếm di tích cổ bằng vệ tinh rất đáng tin cậy và hiệu quả cao.
Các hình ảnh hồng ngoại trên bên phải cho thấy các đường phố
thành phố cổ Tanis gần San El Hagar.
Tác giả của công trình nghiên cứu, tiến sĩ Sarah Parcak, thuộc trường Đại học Birmingham, Hoa Kỳ nói: "Đầu tiên, người ta tìm kiếm ở thành phố Tanis, đã đào được một ngôi nhà cổ, cách nay 3.000 năm nhờ một bức ảnh trên vệ tinh. Tấm ảnh chụp và hình dáng thực của ngôi nhà trùng hợp với nhau một cách lý tưởng”.
“Các nhà khoa học có thể hy vọng còn nhiều phát hiện mới. Hiện nay, chúng tôi mới chỉ “nhìn” thấy những đối tượng ở độ sâu sát mặt đất. Song còn rất nhiều điều được che giấu dưới lớp bùn tại lòng sông Nil. Công việc của chúng tôi chỉ mới bắt đầu”, tiến sĩ Parcak cho biết thêm.