Trung Quốc chuẩn bị xây trạm vũ trụ
Mô-đun có tên Tiangong-1 (Thiên Cung 1), sẽ được phóng vào không gian bằng tên lửa đẩy Long-March II-F (Trường Chinh II-F), loại tên lửa đã thành công trong cả bảy lần phóng tàu vũ trụ Thần Châu trước đó.
Theo trưởng bộ phận thiết kế tàu Thần Châu, Qi Faren, thì Long-March II-F được phát triển từ năm 1992 và có độ tin cậy cao. Nó sẽ bảo đảm sự thành công của sứ mệnh không gian này.
Trước đó, Trung Quốc đã thất bại trong một đợt phóng vệ tinh hôm 18/8 do trục trặc của tên lửa. Tuy nhiên, giới chức nước này cho biết, tên lửa đẩy được phóng hôm 18/8 là loại tên lửa Long March II-C, không có độ tin cậy cao bằng loại Long-March II-F.
Tàu thăm dò Chang'e 2 được Trung Quốc phóng lên quỹ đạo Mặt trăng tháng 10.2010 - (Ảnh: Reuters)
Tiangong-1 có chiều dài 8,5m sẽ là cấu phần đầu tiên cho tham vọng xây trạm vũ trụ của đất nước đông dân nhất hành tinh. Sau khi Tiangong-1 rời bệ phóng khoảng 2 tháng, Trung Quốc sẽ cho tàu vũ trụ không người lái Thần Châu 8 bay vào không gian và thực hiện việc kết nối với Tiangong-1 trên quỹ đạo.
Theo Tân Hoa xã, hiện cả Tiangong-1 lẫn Long-March II-F đều đã được chuyển đến Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền, tỉnh Cam Túc (Trung Quốc) để chuẩn bị cho sứ mệnh này.
Theo AFP, Trung Quốc không có mặt trong chương trình xây dựng Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) trị giá 100 tỉ USD của năm cơ quan không gian trên thế giới là Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), Cơ quan Vũ trụ liên bang Nga (Roscosmos), Cơ quan Thám hiểm không gian Nhật Bản (JAXA), Cơ quan Vũ trụ Canada (CSA) và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA).
Do vậy, nước này đang quyết tâm tự xây dựng một trạm vũ trụ cho riêng mình để khẳng định sự phát triển vượt bậc của ngành khoa học vũ trụ của mình.
Trước đó, đất nước châu Á này đã liên tục đạt được những cột mốc lịch sử trong chương trình khám phá vũ trụ. Năm 2003, Trung Quốc đã ghi tên vào danh sách những quốc gia có khả năng tự đưa người vào không gian (cùng với Nga, Mỹ) bằng tàu Thần Châu 5 với một phi hành gia.
Hai năm sau, Trung Quốc nâng số lượng phi hành gia theo tàu Thần Châu 6 lên hai người. Năm 2008 đánh dấu một bước tiến vĩ đại của ngành công nghệ vũ trụ Trung Quốc bằng việc phóng tàu Thần Châu 7 mang theo ba phi hành gia.
Trong chuyến bay này, Trung Quốc trở thành một trong ba nước (cùng với Mỹ, Nga) có khả năng tự đưa người vào vũ trụ và thực hiện việc đi bộ ngoài khoảng không vũ trụ.
Ngoài ra, trong hai năm 2007 và 2010, Trung Quốc cũng hai lần phóng tàu thăm dò Chang'e (Hằng Nga) đến quỹ đạo Mặt trăng để chuẩn bị cho việc đưa tàu đáp xuống bề mặt chị Hằng vào năm 2013 và tiếp theo là đưa người đặt chân lên vệ tinh tự nhiên của Trái đất vào năm 2017.