Kẻ dẫn đường thầm lặng của trái đất
Nature đưa tin, 2010 TK7 – tên của thiên thạch - có đường kính khoảng 300 m nên được xếp vào nhóm những thiên thạch nhỏ. Khoảng cách giữa nó và trái đất vào khoảng 80 triệu km. Do 2010 TK7 và địa cầu bay cùng quỹ đạo nên chúng không bao giờ va chạm.
Hình mô phỏng trái đất và một thiên thạch gần nó. Ảnh: onorbit.com.
Giới thiên văn gọi những thiên thạch bay ổn định ở phía trước hoặc sau hành tinh là “Trojan”. Sao Mộc, sao Hỏa và sao Hải Vương cũng có thiên thạch Trojan bám theo chúng.
Các nhà khoa học của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) phát hiện thiên thạch nhờ WISE, kính thiên văn không gian được phóng lên vũ trụ từ năm 2009. Nó có khả năng thu bức xạ hồng ngoại và có trường quan sát cực rộng.
Trước đây giới khoa học từng dự đoán trái đất có một số thiên thạch Trojan nhưng họ gặp khó khăn trong việc chứng minh vì không thể quan sát chúng trong ánh sáng mặt trời.
Martin Connors, một giáo sư của Đại học Athabasca tại Canada, cho biết, quỹ đạo của 2010 TK7 sẽ ổn định trong ít nhất 1.000 năm nữa.
Giáo sư Connors cùng các cộng sự tại NASA phát hiện 2010 TK7 sau khi quan sát bầu trời bằng kính thiên văn không gian WISE từ tháng 1/2010 tới tháng 2/2011.