Mặt trời sắp...biến mất?
Tuy nhiên, giới khoa học nói rằng, điều này không đáng lo. Các hoạt động của sóng mặt trời tác động rất ít tới lượng ánh sáng và hơi ấm mà nó tỏa ra. Mặt trời bình lặng hơn hầu như chỉ mang lại tác động tốt. Các vệ tinh và hệ thống lưới điện chỉ bị ảnh hưởng ít, và có thể sự ấm lên toàn cầu sẽ tăng chậm lại.
Các nhà khoa học không biết tại sao mặt trời sắp trở nên “hiền” như vậy. Nhưng các dấu hiệu hiện nay đang chứng tỏ điều đó.
Frank Hill ở Đài thiên văn mặt trời quốc gia (Mỹ) và đồng nghiệp đưa ra dự đoán này dựa trên ba thay đổi: các vệt đen trên mặt trời đang mờ đi, vầng hào quang tỏa ra từ hai cực của mặt trời cũng yếu đi, và sự biến mất của các tia mặt trời.
Hình ảnh mặt trời hoạt động yếu nhất (năm 2006) và mạnh nhất (2001).
(Nguồn: Phyorg).
“Ba dấu hiệu này cho thấy, có thể mặt trời sắp bước vào trạng thái ít hoạt động và phải mất một thời gian dài để phục hồi”, Richard Altrock, nhà vật lý học thiên văn ở Phòng nghiên cứu không quân quốc gia cho biết.
Chu kỳ này sẽ bắt đầu từ năm 2020. Các chuyên gia cho biết mặt trời đã bắt đầu trở nên êm ả hơn trong khoảng 4 năm nay, vì chỉ còn ít vệt đen – những khu vực có từ trường mạnh hơn.
Mặt trời có từ trường mạnh khi xuất hiện nhiều vệt đen, gió mặt trời và ra các hạt chuyển động nhanh, đôi khi va vào trái đất. Theo chu kỳ 22 năm, từ trường của mặt trời đổi hướng Bắc Nam, tạo nên chu kỳ vệt đen kéo dài 11 năm. Lúc đỉnh điểm, như năm 2001, các vệt đen xuất hiện hàng ngày, trong khi các tia và bão mặt trời xuất hiện thường xuyên, tác động xấu tới các vệ tinh.
Theo David Hathaway, nhà khoa học nghiên cứu mặt trời hàng đầu của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), chu kỳ hiện tại, bắt đầu từ năm 2009, sẽ là chu kỳ yếu nhất trong thế kỷ này.
Matt Penn ở Đài quan sát mặt trời quốc gia, nói rằng từ năm 1998, độ mạnh của từ trường từ các vệt đen giảm đi. Nếu tiếp tục với tốc độ hiện nay, từ trường mặt trời sẽ trở nên rất yếu nên khó hình thành các vệt đen vào khoảng năm 2020.
Các cột sáng trên và dưới bề mặt mặt trời là những dấu hiệu sớm của bão mặt trời, nhưng những cột sáng này vẫn chưa được hình thành cho chu kỳ bắt đầu từ năm 2020, nghĩa là chu kỳ từ năm 2020 sẽ đánh dấu ít hoạt động của mặt trời.
Các nhà khoa học khuyên mọi người không nên lo sợ bởi giai đoạn mặt trời ít hoạt động sẽ chỉ làm giảm từ trường và khí ion hóa chứ không giảm ánh sáng và hơi ấm tỏa ra.
Một số người cho rằng chính sự bức xạ nhiệt từ mặt trời khiến trái đất ấm lên, nhưng rất ít nhà khoa học đồng ý với điều này. Trái đất vẫn ấm lên khi hoạt động của mặt trời giảm đi.
Theo Andrew Weaver, nhà khoa học khí hậu ở ĐH Victoria, hoạt động của mặt trời có thể gây ra tác động nhỏ đối với nhiệt độ trái đất, nhưng không là gì so với tác động từ các hoạt động của con người khiến phát thải khí CO2 và mêtan tăng lên. Năm 2010, mặt trời hoạt động rất yếu, nhưng đó lại là năm nóng nhất trong hơn một thế kỷ qua.