Tự chế tạo kính thiên văn ngắm các vì sao
Niềm đam mê nghiên cứu, tìm tòi đã nhen nhóm từ khi cậu bé Khải mới ở độ tuổi bậc tiểu học. Khi các bạn cùng trang lứa mải mê với những đồ chơi thì Khải lại tìm tòi nguyên lý hoạt động của nó. Nhiều khi đồ chơi mới mua về đã bị cậu tháo tung để xem. Học đến lớp 9, cậu đã tự chế tạo cho mình một chiếc kính thiên văn để quan sát bầu trời mỗi đêm. Sản phẩm này được Khải đem dự thi trong Hội thi sáng tạo kỹ thuật Gia Lai lần thứ IV (2008 - 2009). Ban tổ chức đã chấm giải ba cho sáng tạo này. Khải cũng là người trẻ nhất đoạt giải.
Nguyễn Tân Khải với những chiếc kính thiên văn do chính mình chế tạo.
Khải hào hứng kể về chiếc kính thiên văn đầu tiên: "Vật liệu để tạo nên kính thiên văn đơn giản chỉ là những thấu kính tận dụng từ những thấu kính của máy ảnh đã hỏng, gương lõm, một ống nhựa PVC làm thân máy và chân đế… Đơn giản vậy nhưng ngoài tìm hiểu về lý thuyết, nguyên lý hoạt động của một chiếc kính thiên văn, em phải mày mò cả vài tháng trời để lắp ráp, thử nghiệm. Phải hàng trăm lần lắp đi lắp lại, cuối cùng chiếc kính thiên văn cũng ra đời".
Kính thiên văn của Khải chế tạo bằng các loại phế liệu chỉ có giá 600-700 ngàn đồng, lại rất hữu dụng trong việc quan sát bầu trời. Quan trọng nữa là nó giúp thỏa trí tưởng tượng, niềm đam mê, ham học hỏi của cậu học trò này.
Kính thiên văn của Khải có thể nhìn thấy vành đai sao Thổ, màu đỏ rực lửa của sao Hỏa, nhiều vết tích của các miệng núi lửa trên mặt trăng. Thời gian gần đây, Khải được các thành viên của Câu lạc bộ thiên văn nghiệp dư TP.HCM (HAAC) hỗ trợ tìm mua giúp các vật liệu để chế tạo kính thiên văn mà ở Gia Lai không có. Khải cũng là thành viên của câu lạc bộ này, nơi có trên dưới 1.000 thành viên trong và ngoài nước tham gia.
Mới đây, Khải đã được T.Ư Đoàn tặng bằng khen vì đã có "đề tài, giải pháp sáng kiến, sản phẩm sáng tạo toàn quốc năm 2010".