Phi cơ mặt trời lần đầu bay xuyên châu Âu
Phi cơ Solar Impulse cất cánh từ một căn cứ không quân ở Payerne, Thụy Sỹ sáng nay để thực hiện chuyến bay quốc tế đầu tiên. Ảnh: AP.
AFP đưa tin Solar Impulse rời thành phố Payerne ở phía tây Thụy Sỹ vào lúc 8h40 theo giờ địa phương (13h40 theo giờ Việt Nam). Sau khoảng 12 giờ nó sẽ tới sân bay Brussels tại Bỉ.
Solar Impulse từng bay liên tục trong 26 giờ trên không phận Thụy Sỹ vào tháng 7 năm ngoái. Đây là chuyến bay dài nhất của phi cơ có người lái và sử dụng năng lượng mặt trời. Sau đó Solar Impulse bay nhiều lần giữa hai thành phố của Thụy Sỹ là Geneva và Zurich. Nhưng bay trong không phận đông đúc của châu Âu được coi là một thử thách mới.
“Điều khiển một máy bay như Solar Impulse trong không phận châu Âu để đáp xuống một phi trường quốc tế là một thử thách lớn đối với chúng tôi. Thành công của chuyến bay phụ thuộc vào sự ủng hộ của giới chức các nước liên quan”, Andre Borschberg, người lái Solar Impulse trong chuyến bay hôm nay, phát biểu. Borschberg cũng là một thành viên trong nhóm chế tạo Solar Impulse.
Phi cơ Solar Impulse có sải cánh dài 63 m, bằng với sải cánh của chiếc Airbus A340, và có chiều dài gần 22 m. Nó có khối lượng 1.600 kg và gần 12.000 tấm năng lượng mặt trời gắn vào cánh và bộ phận thăng bằng phía sau. Máy bay cũng được trang bị 4 động cơ điện và có vận tốc tối đa là 70 km/giờ.
Mục đích cuối cùng của Borschberg và các cộng sự là thực hiện chuyến bay vòng quanh thế giới trên phi cơ Solar Impulse.