NASA cũng cần đến “phù thủy” photoshop
Mark Thompson, tác giả của bài báo nói trên cho biết, những hình ảnh của mặt trăng Titan và Dione của sao Thổ do tàu vũ trụ Cassini chụp được gần đây đã trải qua giai đoạn xử lý hậu kỳ kỹ càng. Chính vì vậy, những hình ảnh vốn tối và mờ, sau khi được lọc các màu xanh, đỏ và lục đã trở thành những bức ảnh màu sắc rực rỡ như khi người ta công bố.
Chòm sao Orion trước và sau khi được cân chỉnh màu sắc. Ảnh: Discovery
Mark cũng cho biết, việc NASA chỉnh sửa những hình ảnh của các mặt trăng sao Thổ đã trở thành một vụ scandal ầm ĩ được báo giới liên tục nhắc tới nhằm phê phán và công kích. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân Mark lại cho rằng, việc phải chỉnh sửa những bức ảnh gốc trước khi công bố như vậy là chuyện hoàn toàn bình thường.
Tác giả này khẳng định, “việc NASA dùng phần mềm máy tính để xử lý những bức ảnh gốc vốn chẳng có gì to tát”. Nó cũng giống như khi người ta dùng các phần mềm xử lý ảnh để loại trừ mắt đỏ trong các bức ảnh chụp lỗi. Tuy nhiên, “người ta có thể chấp nhận việc xử lý hậu kỳ những hình ảnh trong đời sống nhưnglại không thể chấp nhận việc ‘sửa đổi’ những hình ảnh thiên văn”.
Mark cũng cho biết, thực tế kỹ thuật CCD đã được sử dụng phổ biến từ 10 năm nay. CCD cung cấp hai loại hình nhận nhạy sáng: một màu và nhiều màu. So với những những máy ảnh màu tiêu chuẩn kỹ thuật này dùng một máy ảnh môt màu để lọc các màu sắc khác nhau từ đó cho ra những bức ảnh có độ phân giải lớn hơn và màu sắc chuẩn xác hơn.
Tuy nhiên, khi sử dụng kỹ thuật CCD trong các tàu vũ trụ thì các màu hồng, xanh, lục bị sai lệch đi rất nhiều. Chính vì vậy, sau khi có những bức ảnh gốc, những hình ảnh này phải trải qua giai đoạn xử lý hậu kỳ để chỉnh sửa lại những sai lệch màu sắc này. “Đây là cách nhanh nhất để giúp công chúng có thể chiêm ngưỡng những bức ảnh thiên văn tuyệt đẹp”, Mark khẳng định.
Bên cạnh đó, sau khi những bức ảnh đã được xử lý, rất nhiều chi tiết trong bức ảnh được làm “sáng rõ”. Do vậy, nó không chỉ giúp bức ảnh trông đẹp hơn mà còn giúp các nhà khoa học có nhiều thông tin hơn để phục vụ các nghiên cứu khoa học của mình.
Cuối cùng, tác giả này khẳng định: “Chúng ta phải chấp nhận rằng, mắt thường hoàn toàn không phải là thiết bị thu nhận ánh sáng hiệu quả nhất. Vì vậy, những bức ảnh sau khi đã được cân chỉnh lại sẽ cho chúng ta cảm giác quan sát các vật thể chân thực hơn”.