Nguy cơ tiềm tàng từ “rác vũ trụ”
Mô phỏng rác vũ trụ - Ảnh: AFP
Tướng Kevin Chilton, thuộc Tư lệnh Lực lượng Không gian Mỹ, cho biết Mỹ đang sở hữu khoảng hơn 15.000 mảnh vỡ đang trôi nổi trong không gian. Những mảnh vỡ này chủ yếu là hậu quả của việc phóng các tên lửa vào không gian, các mảnh vỡ văng ra từ các tàu vũ trụ hay từ những vụ phá hủy vệ tinh đã hết hạn sử dụng trên quỹ đạo Trái đất.
"Ước tính số lượng mảnh vỡ trong vũ trụ sẽ tăng lên con số 50.000 trong tương lai không xa. Điều này có thể khiến quỹ đạo của Trái đất bị hạ thấp xuống gần chúng ta hơn”, ông Kevin Chilton lo ngại. Ngoài ra, những mảnh vỡ có thể va chạm và gây hỏng hóc cho các vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo.
Ông Kevin cũng cho biết sự gia tăng các mảnh vỡ trong vũ trụ gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây không chỉ do nước Mỹ mà còn do các vụ phá hủy các vệ tinh của Trung Quốc vào năm 2007 và việc phát hủy vệ tinh quân sự và viễn thông của Nga vừa được tiến hành trong năm 2009.
Để giảm thiểu “rác vũ trụ”, ông Kevin đề nghị các nước nên hợp tác trong việc dùng chung các tên lửa phóng vệ tinh hay sử dụng chung vệ tinh. Điều này một phần giúp giảm chi phí cho các nước và đồng thời giảm số lần phóng tên lửa vào vũ trụ, từ đó giảm số lượng các mảnh vỡ của tên lửa trong không gian. Trong năm 2008, Mỹ và Trung Quốc cũng từng đã hợp tác trong việc đưa hai vệ tinh của họ lên quỹ đạo Trái đất trên cùng một tên lửa Aegis.
Tuy nhiên, về giải pháp lâu dài cho vấn đề “rác vũ trụ”, ông đề nghị các nhà lãnh đạo thế giới đạt được một thỏa thuận thống nhất trong việc sử dụng quỹ đạo Trái đất và cần tìm ra những giải pháp tối ưu để tiêu hủy hoàn toàn những mảnh vỡ đang lơ lửng trong không gian.