Số phận bí hiểm của thiết bị thăm dò sao Hỏa
Hình minh họa thiết bị thăm dò Phoenix khi đáp xuống sao Hỏa. Ảnh: geek.com.
BBC cho biết, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ phóng phi thuyền Mars Odyssey lên quỹ đạo sao Hỏa để tìm kiếm tín hiệu radio của thiết bị thăm dò tự hành Phoenix.
Phoenix liên lạc với trung tâm điều khiển lần cuối cùng vào ngày 2/10/2008, sau khi nó hoàn thành việc nghiên cứu một địa điểm trên sao Hỏa. Kể từ đó Phoenix phải chống chọi với mùa thu và mùa đông trên hành tinh đỏ, nhưng nó lại không được thiết kế để hoạt động trong điều kiện nhiệt độ môi trường quá thấp.
Trong mùa đông nhiệt độ trên sao Hỏa có thể xuống tới mức -120 độ C. Các nhà khoa học của NASA cho rằng những linh kiện điện tử trong thiết bị có thể hỏng khi nhiệt độ giảm mạnh. Ngoài ra các pin mặt trời của nó cũng khó có thể chống chịu được mùa đông trên hành tinh đỏ.
Tàu Odyssey sẽ bay qua khu vực mà Phoenix từng thăm dò trong ba ngày liên tiếp, mỗi ngày 10 lần để tìm kiếm tín hiệu radio của thiết bị. Nhiệm vụ của Odyssey sẽ bắt đầu từ ngày 18/1. Sau đó, hai chiến dịch tìm kiếm lâu hơn sẽ được tiến hành trong tháng 2 và tháng 3.
Một bức ảnh mà thiết bị thăm dò Phoenix chụp trên sao Hỏa trong quá trình thám hiểm.
Ảnh: NASA.
"Nếu Phoenix vẫn truyền tín hiệu, tàu Odyssey sẽ bắt được. Nếu không bắt được bất kỳ tín hiệu nào từ Phoenix, chúng tôi có thể tin rằng nó không hoạt động nữa", Chad Edwards, trưởng nhóm kỹ sư viễn thông thuộc Chương trình Thám hiểm sao Hỏa của NASA, khẳng định.
Thiết bị thăm dò tự hành Phoenix đáp xuống sao Hỏa vào tháng 5/2008 - tức là giữa mùa hè trên hành tinh đỏ. Trong mùa hè mặt trời luôn lơ lửng phía trên khu vực mà Phoenix thám hiểm. Ngay sau khi đáp xuống, thiết bị đã nghiên cứu những mẫu đất để tìm hiểu xem chúng có khả năng hỗ trợ sự sống hay không. Theo BBC, thành tựu lớn nhất của Phoenix là "tìm thấy nước ở dạng băng ngay bên dưới tầng đất trên cùng".
Tải file Số phận bí hiểm của thiết bị thăm dò sao Hỏa tại đây