Cánh bướm khổng lồ trong vũ trụ
Đám bụi khí trên trông giống như một con bướm tuyệt đẹp. Song, theo các nhà khoa học của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ, hình ảnh ấn tượng này là kết quả của một quá trình dữ dội. Hai cánh xinh xắn của "bướm khổng lồ" được tạo nên bởi những đám bụi khí có nhiệt độ lên tới hàng chục nghìn độ C. Bụi khí lan ra trong không gian với tốc độ lên tới 960.000 km/h (gần 267 km/s). Nếu một tàu vũ trụ được phóng từ trái đất với tốc độ đó, nó có thể tới mặt trăng sau 24 phút.
Nằm giữa đám bụi khí là một ngôi sao sắp chết có tên NGC 6302. Nó từng lớn gấp 5 lần mặt trời. Nhưng giờ đây ngôi sao này đang thổi ra những lớp vỏ vật chất bên ngoài để tạo thành tinh vân. Bức xạ cực tím phát ra từ NGC 6302 khiến bụi khí phát sáng rực rỡ. Độ sáng của nó sẽ tăng lên hàng triệu lần trong một thời gian ngắn. Sau đó NGC 6302 sẽ biến thành một sao siêu mới.
Camera góc rộng số 3 (Wide Field Camera 3) của kính viễn vọng Hubble đã chụp được hình ảnh trên. Các nhà du hành NASA lắp đặt camera này vào tháng 5 trong đợt nâng cấp và sửa chữa Hubble.
NGC 6302 - thường được gọi là tinh vân Bướm - nằm trong dải Ngân hà. Nó cách chòm sao Thiên Hạt khoảng 3.800 năm ánh sáng. Sải cánh của "bướm khổng lồ" có chiều dài hơn 2 năm ánh sáng, bằng một nửa khoảng cách từ mặt trời tới ngôi sao gần nhất (Alpha Centauri).