NASA thiếu tiền theo dõi thiên thạch
Cách đây 4 năm quốc hội Mỹ giao cho NASA nhiệm vụ phát hiện và theo dõi những "viên đá trời" nguy hiểm có khả năng va vào địa cầu. Tuy nhiên, các nghị sĩ lại không cấp ngân sách để NASA xây dựng các kính viễn vọng đủ mạnh để thực hiện công việc theo dõi. Đây là nội dung của một bản báo cáo do Viện Khoa học quốc gia Mỹ công bố.
Theo báo cáo, cơ quan lập pháp muốn NASA xác định vị trí và quỹ đạo của 90% những thiên thạch nguy hiểm trong khoảng thời gian từ năm 2005 tới 2020. Với hệ thống kính viễn vọng sẵn có, NASA chỉ phát hiện được khoảng 30% thiên thạch như vậy, tức là mới hoàn thành 30% chỉ tiêu. Cơ quan này ước tính khoảng 20.000 thiên thạch và sao chổi trong hệ Mặt Trời có khả năng gây nguy hiểm cho trái đất. Chúng có đường kính lớn hơn 140 m. Nhưng tới thời điểm hiện tại, các nhà khoa học của NASA mới chỉ phát hiện 6.000 thiên thạch trong số đó.
Những thiên thạch có đường kính 140-1.000 km có thể hủy diệt hoàn toàn một vùng rộng lớn trên trái đất. (Ảnh: Digpoints.com) |
Lindley Johnson, giám đốc chương trình Những vật thể gần trái đất của NASA, khẳng định, những viên "đá trời" có đường kính trong khoảng 140 - 1.000 km có thể phá hủy hoàn toàn một vùng rộng lớn trên trái đất.
Vào tháng trước các nhà thiên văn sửng sốt khi một vật thể lao vào sao Mộc, tạo nên một hố có kích thước tương đương trái đất trong bầu khí quyển. Chiếc hố vẫn tiếp tục bành trướng, trong khi kích thước và nguồn gốc của vật thể vẫn chưa được xác định. Sao Mộc thường xuyên bị thiên thạch bắn phá hơn trái đất do nó có lực hấp dẫn và kích thước quá lớn.
Mặc dù phê phán Washington về việc "quên" cấp tiền cho NASA, song báo cáo cũng thừa nhận chính phủ Mỹ là chính quyền duy nhất trên thế giới muốn ngăn chặn các thiên thạch nguy hiểm.
Theo tính toán của NASA, để phát hiện 90% trong số 20.000 thiên thạch nguy hiểm, họ cần 800 triệu USD trong khoảng thời gian từ nay tới năm 2020. Số tiền đó sẽ được dùng để xây dựng các kính viễn vọng trên mặt đất hoặc trong vũ trụ. Nếu NASA chỉ có 300 triệu USD theo kế hoạch của quốc hội, các nhà khoa học sẽ không thể phát hiện những thiên thạch có đường kính nhỏ hơn 300 m.
Nhưng cho tới nay NASA chưa nhận được bất kỳ khoản tiền nào. John Logsdon, một giáo sư về chính sách vũ trụ của Đại học George Washington, cho rằng có thể NASA sẽ không bao giờ được cấp ngân sách.
"Nhiều người đóng thuế nghĩ rằng chương trình phát hiện thiên thạch nguy hiểm là một kế hoạch ngớ ngẩn và viển vông. Tính tới nay NASA mới chỉ phát hiện 5 vật thể bay gần trái đất, song khả năng chúng va chạm với địa cầu chỉ vào khoảng 1/1.000.000", ông nói.
NASA đang theo dõi sát sao một thiên thạch có đường kính 131 km. Nó có khả năng va chạm với địa cầu vào năm 2048 với xác suất 1/3.000. Một thiên thạch khác có đường kính khoảng 260 km có khả năng bắn phá hành tinh xanh vào các năm 2036, 2037 và 2069 với xác suất 1/43.000.