Làm thủ tục hải quan sau khi lên mặt trăng
Đất, đá và nhiều mẫu vật khác mà ba nhà du hành Neil Armstrong, Buzz Aldrin và Michael Collins lấy trên mặt trăng được đưa tới sân bay Honolulu tại Hawaii vào ngày 24/7/1969. Đó cũng là ngày mà tàu Apollo 11 lao xuống Thái Bình Dương để chấm dứt sứ mệnh đưa người lên mặt trăng lần đầu tiên. Tàu USS Hornet của hải quân Mỹ đã vớt họ và đưa lên bờ. Các phi hành gia bị cách ly trong 3 tuần tại thành phố Houston (bang Texas) để đảm bảo rằng họ không mang theo bất kỳ tác nhân gây bệnh nào từ mặt trăng. Thậm chí họ phải mặc quần áo cách ly sinh học sau khi lên tàu USS Hornet.
Trong kho tài liệu của sân bay có tờ khai hải quan với chữ ký của Armstrong, Aldrin và Collins. Ngoài danh mục hàng hoá, 3 nhà du hành còn phải liệt kê lộ trình của họ: khởi hành từ mũi Canaveral, bang Florida và đích đến là mặt trăng.
Ba nhà du hành mặc bộ quần áo cách ly sinh học khi lên tàu USS Hornet nhằm đề phòng nguy cơ mang theo những tác nhân gây bệnh từ mặt trăng. (Ảnh: NASA) |
Tờ khai hải quan đã được đưa lên trang web của Cơ quan hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ trong tuần này nhân kỷ niệm 40 năm ngày tàu Apollo 11 lên mặt trăng.
"Vào thời gian ấy đó là chuyện đó giống như trò đùa, song bây giờ nó đã trở nên bình thường", John Yembrick, người phát ngôn của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), bình luận.
Ngày nay, các phi hành gia của NASA vẫn phải làm thủ tục hải quan, song họ làm vậy vì những lý do hết sức đơn giản. Chẳng hạn, những nhà du hành muốn lên Trạm không gian quốc tế (ISS) phải trải qua các khoá huấn luyện tại Nhật Bản, Canada, châu Âu và Nga để làm quen với nhiều hệ thống máy móc, module và dụng cụ khác nhau. Việc này rất cần thiết vì ISS được xây dựng trong 10 năm bởi 16 quốc gia. Do đó mà mỗi khi xuất ngoại hay trở về Mỹ, các phi hành gia phải làm thủ tục hải quan tại sân bay.
"Các nhà du hành có hộ chiếu đặc biệt do chính phủ cấp, song họ vẫn phải làm thủ tục hải quan giống như mọi công dân khác", Nicole Cloutier-Lemasters, một quan chức NASA, phát biểu.