Hiểm họa rình rập tàu con thoi Mỹ
Sau khi rời khỏi bệ phóng để bay tới kính viễn vọng không gian Hubble, tàu vũ trụ Atlantis lọt vào một khoảng không có vài nghìn mảnh vụn. Chúng di chuyển quanh trái đất với tốc độ gần 9 km/giây và có thể gây nên thảm họa nếu va vào t&a
Sau khi rời khỏi bệ phóng để bay tới kính viễn vọng không gian Hubble, tàu vũ trụ Atlantis lọt vào một khoảng không có vài nghìn mảnh vụn. Chúng di chuyển quanh trái đất với tốc độ gần 9 km/giây và có thể gây nên thảm họa nếu va vào tàu.
Tàu Atlantis được phóng lên từ Trung tâm vũ trụ Kennedy tại bang Florida, Mỹ vào ngày 11/5/2009. Ảnh: AP. |
Trong số rác xung quanh tàu Atlantis có cả mảnh vụn của vệ tinh và những tên lửa đã sử dụng. Chưa bao giờ nhóm phi hành gia trên tàu nhìn thấy nhiều rác trên quỹ đạo trái đất đến thế. Họ sẽ phải ở trên quỹ đạo trong hơn một tuần để sữa chữa kính viễn vọng không gian Hubble. Sau khi công việc sửa chữa hoàn tất, tàu sẽ tới một vị trí an toàn.
Kính viễn vọng không gian Hubble hoạt động ở độ cao 610 km so với mặt đất. Đó là quỹ đạo có nhiều rác nhất so với quỹ đạo mà các tàu vũ trụ thường bay. Ngay cả những mảnh vụn nhỏ nhất cũng có thể gây nên thảm họa khi nó va chạm với tàu vũ trụ.
Sau tai nạn của tàu Columbia vào năm 2003, việc bay tới kính Hubble được coi là nhiệm vụ cực kỳ nguy hiểm. Do Hubble không nằm cùng quỹ đạo với Trạm không gian quốc tế nên các phi hành gia không thể sử dụng trạm làm nơi ẩn náu an toàn trong trường hợp khẩn cấp. Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho rằng xác suất va chạm giữa tàu vũ trụ và rác là 1/229 – cao hơn nhiều so với các chuyến bay tới trạm không gian quốc tế.
Hôm nay, tàu Atlantis sẽ tiếp cận kính viễn vọng và đưa nó vào khoang chứa hàng hóa của tàu. Tại đây các phi hành gia sẽ tiến hành nâng cấp và sửa chữa kính từ ngày mai.
Trong ngày hôm qua họ đã kiểm tra bên ngoài tàu để xem nó có bị hư hại bởi các mảnh vỡ trong quá trình phóng hay không. Do rác vũ trụ xoay quanh địa cầu với tốc độ cực lớn nên một vật có chiều rộng bằng 1/3 đồng xu cũng có thể xuyên qua buồng lái của tàu vũ trụ.
Nơi mà Atlantis dừng lại ngày càng trở nên “bề bộn” trong những năm gần đây. Vào năm 2007, Trung Quốc phá hủy một trong những vệ tinh của họ trong một lần bắn thử tên lửa. Các mảnh vụn của vệ tinh văng ra khắp nơi. Vào tháng 2 năm nay, một vệ tinh chết của Nga va chạm với một vệ tinh viễn thông của Mỹ khiến số lượng rác tiếp tục tăng lên.
Tính tới nay, các thiết bị dò tìm đã phát hiện khoảng 950 mảnh vụn từ vụ va chạm này và hơn 2.500 mảnh từ vụ nổ vệ tinh năm 2007. Tất nhiên, vẫn còn hàng nghìn mảnh vỡ mà các thiết bị chưa phát hiện ra.
Nhà thiên văn Jonathan McDowell của Đại học Harvard (Mỹ) – một chuyên gia về rác vũ trụ - nhận xét: “Người ta đang theo dõi chặt chẽ từng hoạt động của tàu Atlantis. Đó là một nhiệm vụ thật sự nguy hiểm”.