Vệ tinh của Mỹ lao xuống biển
Hôm qua, vệ tinh đo khí thải CO2 mang tên Orbiting Carbon Observatory (OCO) của Mỹ đã rơi xuống khu vực gần Nam Cực, ngay sau khi rời bệ phóng do sự cố kỹ thuật.
OCO lao xuống biển vài phút sau khi rời khỏi bệ ph&oac
Hôm qua, vệ tinh đo khí thải CO2 mang tên Orbiting Carbon Observatory (OCO) của Mỹ đã rơi xuống khu vực gần Nam Cực, ngay sau khi rời bệ phóng do sự cố kỹ thuật.
OCO lao xuống biển vài phút sau khi rời khỏi bệ phóng. Ảnh: AP. |
Hàng trăm người trước đó chứng kiến cảnh tên lửa Taurus bay vào không gian từ căn cứ không quân Vandenberg. Nhưng chỉ vài phút sau khi bay lên, vệ tinh đã rơi xuống đại dương. Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) sở hữu vệ tinh này xác nhận sự cố, đồng thời cho biết nguyên nhân bắt nguồn từ phần chóp mũi hình nón bảo vệ OCO trong quá trình bay xuyên qua bầu khí quyển.
Vệ tinh OCO được phóng lên quỹ đạo trái đất bằng Taurus XL - loại tên lửa nhỏ nhất mà NASA đang sử dụng và do tập đoàn Orbital Sciences Corporation chế tạo. John Brunschwyler, đại diện của nhà sản xuất tên lửa đẩy vệ tinh cũng thừa nhận phần chóp mũi hình nón là nguyên nhân gây tai nạn.
"Lẽ ra mũi hình nón phải tách ra và rơi xuống sau 3 phút kể từ khi tên lửa rời bệ phóng, nhưng điều đó không xảy ra. Bộ phận này chiếm tỷ lệ khá lớn về khối lượng so với toàn bộ vệ tinh. Vì thế khi mũi hình nón không tách ra, khối lượng của nó khiến tên lửa không thể tiến tới quỹ đạo dự kiến", ông giải thích.
Phần chóp nón của tên lửa đẩy không tách ra như thiết kế dẫn đến sự cố. Ảnh: NASA. |
Kể từ khi đưa vào sử dụng năm 1994, tên lửa Taurus XL đã thực hiện 8 lần phóng vệ tinh và tàu vũ trụ, trong đó có hai lần thất bại gồm cả sự cố hôm qua. Đây cũng là lần đầu tiên NASA sử dụng tên lửa đẩy Taurus XL và gặp phải sự cố. Một ủy ban điều tra sẽ được thành lập để tìm hiểu nguyên nhân khiến OCO lao xuống biển.
Vệ tinh OCO có trị giá 280 triệu USD được thiết kế nhằm nghiên cứu tình trạng ấm lên toàn cầu nhằm trả lời các câu hỏi như điều gì xảy ra với khí CO2 do hoạt động đốt than đá, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, thực vật, đất và các đại dương hấp thụ bao nhiêu phần trăm CO2 và bao nhiêu phần trăm được giữ lại trong khí quyển.
Trong một thập kỷ qua, nhiều nhà khoa học phàn nàn rằng số lượng công trình nghiên cứu trái đất từ không gian đang giảm dần. Họ khẳng định NASA chi quá nhiều tiền cho việc tìm hiểu các hành tinh khác mà chẳng chú ý tới chính hành tinh của chúng ta. Ngoài ra, các vệ tinh được thiết kế để nghiên cứu địa cầu cũng tương đối "già" so với nhiều loại vệ tinh khác.