Nóng bỏng cuộc chạy đua vũ trụ ở châu Á
Hành trình nhiều năm của Trung Quốc, với chi phí 184 triệu USD, đã khởi động một chương trình nhằm đưa tàu không người lái lên bề mặt mặt trăng vào năm 2012 và cuối cùng là đưa người lên mặt trăng vào khoảng năm 2020.
Việc phóng tàu Hằng Nga I, với nhiệm vụ thăm dò và vẽ bản đồ bề mặt mặt trăng, diễn ra sau khi Nhật Bản phóng tàu thăm dò mặt trăng đầu tiên của nước này hồi tháng 9. Ấn Độ cũng dự định phóng một con tàu tương tự vào năm tới.
Hằng Nga I cất cánh lúc 17g05 (giờ Hà Nội). Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã gửi lời chúc mừng của cá nhân ông sau vụ phóng thành công này. Trung Quốc đã mô tả tàu thăm dò mặt trăng là mốc lớn thứ ba trong chương trình vũ trụ của nước này, sau khi phát triển các tên lửa và vệ tinh kể từ những năm 1970 và đưa người lên quỹ đạo vào năm 2003 và 2005.
Tên lửa Trường Chinh 3A của Trung Quốc mang theo Hằng Nga I rời bệ phóng (Ảnh: VNN)
’’Bay tới mặt trăng là niềm mơ ước bấy lâu của Trung Quốc’’, Tân Hoa Xã bình luận. Trước khi phóng, một trong những nhà khoa học hàng đầu trong chương trình mặt trăng của Trung Quốc, Ouyang Ziyuan, cũng chỉ ra một bức thông điệp lớn hơn mà sứ mạng này muốn gửi tới nhân dân Trung Quốc và thế giới: ’’Thám hiểm mặt trăng thể hiện sức mạnh của cả dân tộc chúng ta, nâng cao uy tín quốc tế của Trung Quốc và đoàn kết dân tộc’’.
Để thể hiện niềm tự hào Trung Quốc, quốc ca và 31 bài hát yêu nước khác đã được tải lên tàu thăm dò mặt trăng này (còn gọi là vệ tinh). Sau đó, vệ tinh có thể truyền các bài hát này trở lại Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, chương trình vũ trụ của Trung Quốc đã có những bước tiến dài, song hành với sự tăng trưởng kinh tế ngoạn mục. Trung Quốc đã đưa thành công nhà du hành Dương Lợi Vỹ vào quỹ đạo năm 2003, trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới sau Liên Xô và Mỹ đưa người vào không gian. Chuyến bay đưa người lên quỹ đạo lần thứ ba dự định diễn ra vào cuối năm 2008 với ba nhà du hành. Trong chuyến bay này, họ sẽ bước ra ngoài phi thuyền.
Vào ngày 14/9, Nhật Bản đã vượt lên Trung Quốc bằng cách phóng tàu thăm dò mặt trăng đầu tiên của đất nước mặt trời mọc này - một bước tiến quan trọng để đưa người lên mặt trăng vào năm 2020. Mặc dù thời gian biểu đưa người lên mặt trăng của cả hai nước là giống nhau, song một số quan chức Trung Quốc đã cố giảm nhẹ cuộc đua này.
’’Nhật Bản đã bắt đầu nghiên cứu việc thám hiểm mặt trăng sớm hơn nhiều so với chúng tôi, do vậy chúng tôi luôn nhấn mạnh rằng với việc phóng Hằng Nga I, chúng tôi không muốn nói về việc ai dẫn trước’’, Zhang Jianqi thuộc chương trình vũ trụ Trung Quốc nói. Hằng Nga I dự định rời quỹ đạo trái đất vào ngày 31/10, đi vào quỹ đạo mặt trăng ngày 5/10 và truyền những hình ảnh đầu tiên của mặt trăng trở lại trái đất vào cuối tháng 11.
Theo Rene Oosterlinc, phát ngôn viên Cơ quan vũ trụ châu Âu, cuộc đua đưa người lên mặt trăng, trong đó có cả Mỹ tham gia, nhằm lập các căn cứ thường trực trên đó như một bước đầu tiên tiến tới việc thăm dò sao Hỏa. Vệ tinh Hằng Nga của Trung Quốc chủ yếu chụp những hình ảnh ba chiều về bề mặt mặt trăng để đánh giá khả năng hạ cánh, lập căn cứ trên đó.
Minh Sơn (tổng hợp)