Tìm kiếm theo cụm từ

  Hoàn tất việc chuẩn bị để Vinasat - 1 rời bệ phóng

Những công đoạn cuối cùng đang được Việt Nam và nhà thầu Mỹ hoàn thiện để phóng vệ tinh VINASAT-1 lên quỹ đạo dự kiến vào 28/3/2008. Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Vệ tinh, Cty Viễn thông Quốc tế (VTI), thuộc Tập đoàn B

Ông Hùng cho biết:

Dự kiến VINASAT-1 sẽ được phóng lên quỹ đạo vào 28/3/2008. Sau đó, hãng Lockheed Martin (Mỹ) - đơn vị trúng thầu cung cấp vệ tinh - sẽ thực hiện việc kiểm tra đo thử vệ tinh trên quỹ đạo trong vòng 1 tháng.

Như vậy, dự kiến ngày 27/4/2008, vệ tinh sẽ được chính thức bàn giao cho VNPT để đi vào giai đoạn khai thác thương mại. Hiện nay, hãng Lockheed Martin đang sản xuất vệ tinh này tại nhà máy của hãng đặt tại bang Pennsylvania, thành phố Newtown, Mỹ.

Có nhiều module được sản xuất tại nhiều địa điểm khác nhau như module điện, module mặt trời…, sau đó sẽ ghép lại với nhau. Hiện đã đạt tới 60 – 70% tiến độ. Có lộ trình chi tiết cho việc sản xuất. Trước khi phóng 1 tháng Lockheed Martin sẽ chở vệ tinh đến bãi phóng ở mũi Kourou thuộc quốc gia Trung Mỹ French-Guiana.

Về phía Việt Nam, hiện VNPT đang thực hiện việc đào tạo nhân lực và xây dựng bộ máy để vận hành và bán hàng. Về nhân lực kỹ thuật, VNPT đã hợp đồng với Lockheed Martin thực hiện 7 khóa đào tạo.

Hiện đã có 2 khóa được triển khai từ 12/10/2007 tại Trung tâm điều khiển của Lockheed Martin tại Mỹ, gồm 15 người. 5 khóa còn lại sẽ được triển khai tại Trung tâm điều khiển của Việt Nam.

Đội ngũ vận hành vệ tinh VINASAT-1 sẽ gồm khoảng 100 người.

Mô hình vệ tinh VINASAT - 1
Mô hình vệ tinh VINASAT - 1 (Ảnh: TienPhong)

Có thể mô tả thế nào về vệ tinh đầu tiên của Việt Nam, thưa ông?

VINASAT-1 là tên thương mại. Vệ tinh này sẽ được một quả tên lửa đẩy đưa lên quỹ đạo. Nó sẽ được phóng cùng một vệ tinh của GĐ một công ty khác. Lockheed Martin đứng ra thuê dịch vụ của hãng AriameSpace (châu Âu) và dùng tên lửa đẩy Ariane 5.

VINASAT-1 có khối lượng khô khoảng 1,2 tấn. Sau khi bơm nhiên liệu nó nặng khoảng 2 tấn. Nhiên liệu được bơm vào sẽ giúp VINASAT-1 có thể hoạt động từ 15 – 20 năm. Về dung lượng, VINASAT-1 ở mức trung bình.

Có hai trạm điều khiển mặt đất là trạm điều khiển vệ tinh Quế Dương đặt tại Sơn Đồng, Hà Tây và trạm điều khiển ở Bình Dương. Trong đó, trạm Quế Dương là trạm chính, trạm Bình Dương là trạm dự phòng trong trường hợp trạm kia hỏng hoặc bảo dưỡng.

Người dân sẽ được hưởng lợi gì sau khi vệ tinh này được phóng lên?

Ông Nguyễn Quang Hùng (Ảnh: TP)

Vệ tinh là một phương thức truyền dẫn, sử dụng cho mục đích chính là phục vụ các đơn vị thuộc Chính phủ như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Đài Truyền hình... Sau đó đến các đơn vị kinh doanh trong nước, các Cty kinh doanh mạng di động, hoặc bán cho các Cty nước ngoài làm kênh thuê riêng.

Trước ta phải đi thuê, nay chủ động hơn, tiết kiệm được ngoại tệ, về mặt an ninh quốc phòng cũng đảm bảo và chủ động hơn. Về mặt xã hội, quy mô sử dụng vệ tinh tăng lên chứ không phải hạn chế như trước. Người dân được tiếp cận rộng rãi hơn với các dịch vụ truyền thông kéo theo đời sống kinh tế xã hội sẽ tăng lên.

Cụ thể VINASAT-1 sẽ cung cấp các dịch vụ nào?

Tất cả các dịch vụ từ trước đến nay Việt Nam đang có. Chỉ khác là chúng ta đã có vệ tinh riêng chứ không phải đi thuê như trước. Chẳng hạn như các dịch vụ kênh thuê riêng cho các doanh nghiệp, phát hình lưu động, đào tạo từ xa, truyền hình DTH, truyền hình hội nghị, kênh thuê riêng cho thông tin di động, truyền dữ liệu cho các ngân hàng, đường truyền cho nhà cung cấp dịch vụ Internet, điện thoại vùng sâu vùng xa...

Vệ tinh VINASAT-1 phóng lên sẽ đáp ứng các nhu cầu sử dụng trong hiện tại và tương lai.

Việc phóng vệ tinh VINASAT-1 đã nhiều lần lỡ hẹn. Như vậy liệu công nghệ sản xuất đến thời điểm này có lạc hậu không?

Ngược lại, do được phóng lên sau nên nó mới hơn, công nghệ tiên tiến hơn, công suất khỏe hơn, đảm bảo độ ổn định và độ tin cậy, các chỉ tiêu kỹ thuật tốt hơn. Hiện trong khu vực Đông Nam Á một số nước đã có vệ tinh như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines. VINASAT-1 của Việt Nam so với vệ tinh của các nước trong khu vực là không thua kém.

Ông đánh giá như thế nào về vị trí trên quỹ đạo mà VINASAT-1 sẽ được phóng lên?

Tài nguyên không gian có hạn. Vị trí 132 độ Đông là vị trí tốt nhất trong điều kiện Việt Nam có thể thương thảo được với các nước là thành viên của tổ chức Viễn thông Thế giới (ITU).

Hết thời hạn 15 năm, VINASAT-1 sẽ được “đối xử” ra sao?

Sau khi sử dụng, theo quy trình của ITU, vệ tinh này sẽ được điều khiển đi vào quỹ đạo rác.

Xin cảm ơn ông!

Mỹ Hằng

Tải file Hoàn tất việc chuẩn bị để Vinasat - 1 rời bệ phóng tại đây