NASA bàn tính về các yếu tố tình dục, sức khỏe và cái chết cho sứ mạng đến sao hỏa
Với chương trình thám hiểm sao hỏa của NASA trong 30 năm tới và việc phát hiện mới đây một hành tinh rất giống trái đất nằm ngoài thái dượng hệ, NASA đã bắt đầu cân nhắc đến các vấn đề thực tế đầy hóc búa có liên quan đến phạm trù đạo đức trên những chuyến thám hiểm không gian dài ngày.
Một vấn đề tế nhị cần được đưa ra tranh luận một cách nghiêm túc là nhu cầu tình dục giữa các phi hành gia nam và nữ trong một chuyến thám hiểm không gian dài ngày. Tình dục không được đề cập trong các tài liệu của NASA và hầu như là một đề tài "kiêng kỵ" từ khá lâu tại đây. "Sớm hay muộn gì thì NASA cũng phải xem xét đến vần đề này", ông Paul Root Wolpe, giáo sư thuộc trường ĐH Pennsylvania đã đưa ra lời cố vấn cho NASA về việc này từ năm 2001.
NASA sẽ phải bàn tính về các vấn đề hóc búa như tình dục, sức khỏe và cái chết khi thực hiện các chuyến đi dài ngày đến sao hỏa. (Ảnh: NASA) |
Hiện tại, các phi hành gia bị thương hay bệnh nặng tại trạm không gian quốc tế sẽ được lệnh rời khỏi quỹ đạo đang cách trái đất 220 dặm và trở về nhà trong thời gian ngắn trên phi thuyền không gian Soyuz của Nga. Nhưng tình huống về sự sống và cái chết không thể đặt ra trên một chuyến đi đến Sao hỏa khi mà bệnh viện gần nhất lại có khoảng cách đến hàng triệu dặm đường. Hơn thế nữa, các phi hành gia không thể tin tưởng hoàn toàn vào những hướng dẫn từ bộ phận kiểm soát mặt đất vì có thể mất đến nửa giờ để thực hiện một câu hỏi và trả lời qua sóng phát thanh.
Phi hành gia thực hiện các chuyến đi đến mặt trăng và sao hỏa trong thời gian dài phải đương đầu nhiều lần với những rủi ro về sức khỏe như: sự bức xạ, sự tổn hại của cơ bắp, xương và các thử thách tâm lý trong tình trạng "bị cô lập".
NASA sẽ nghiên cứu việc cho các phi hành gia trải qua cuộc phẩu thuật để phòng ngừa rủi ro như việc cắt bỏ ruột thừa, cách xử lý trong tình huống khẩn cấp và có thể họ sẽ được yêu cầu ký tên vào di chúc để đề phòng khi xảy ra trường hợp xấu nhất. Ngoài ra, NASA sẽ phải quyết định có nên đặt giới hạn về tuổi tác của phi hành đoàn cũng như việc lưu trữ tinh trùng hay trứng của những người còn trong tuổi sinh sản để đề phòng rủi ro của những đột biến di truyền do hấp thụ bức xạ từ những chuyến bay dài ngày trong không gian.
Đến nay, nhiều người vẫn tin rằng cơ quan quản trị hàng không và không gian Mỹ vẫn chưa chuẩn bị đầy đủ cho tình huống tử vong của thành viên phi hành đoàn khi họ đang thực hiện chuyến đi đến mặt trăng hay sao hỏa.
Vĩnh Bảo
Tải file NASA bàn tính về các yếu tố tình dục, sức khỏe và cái chết cho sứ mạng đến sao hỏa tại đây