Indonesia phóng vệ tinh tự tạo đầu tiên
Theo tờ Jakarta Post, vệ tinh này được phóng vào hôm 10-01 từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan của Cơ quan nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO). Trung tâm này thuộc Sriharikota, bang Andhra Pradesh.
Vệ tinh Lapan-Tubsat - bay bên trên Trái đất khoảng 630 km, chở theo các thiết bị đo đạc và các hệ thống truyền mệnh lệnh từ xa cũng như hệ thống kiểm soát độ cao cho phép nó nhận nhiều mệnh lệnh khác nhau từ các trạm ở mặt đất. Chi phí chế tạo vệ tinh này vào khoảng 10 tỷ rupiah (1,1 triệu USD).
Nặng 57kg, vệ tinh siêu nhỏ này bay qua đất nước Indonesia 4 lần mỗi ngày, mang theo một máy quay hình màu độ phân giải cao với vùng bao phủ rộng 3,5 km và một máy quay độ phân giải thấp với vùng bao phủ rộng 81 km. Vệ tinh này có thể được dùng để giám sát tình hình trên bề mặt trái đất như các vụ cháy rừng, hoạt động của núi lửa và lũ lụt.
Vệ tinh này được thiết kế với thời hạn sử dụng 2-3 năm, tuy nhiên Cơ quan hàng không vũ trụ Indonesia (LAPAN) hy vọng nó sẽ tiếp tục hoạt động đến 6 năm.
ISRO (Ảnh: spaceref)
T.VY