Phát hiện bộ ba chuẩn tinh đầu tiên
Tại hội nghị của Hiệp hội thiên văn Mỹ diễn ra ở Seattle, các nhà thiên văn cho biết họ vừa phát hiện bộ ba chuẩn tinh đầu tiên. Ban đầu, các nhà nghiên cứu cho rằng bộ ba này chỉ là ảo ảnh. Tuy nhiên, sau khi sử dụng kính thiên văn ở đài quan sát WM Keck ở Hawaii, họ phát hiện bộ ba này gồm có 3 lỗ đen.
Chuẩn tinh sáng gấp hàng ngàn lần một thiên hà (Ảnh: BBC) |
Mỗi chuẩn tinh sản sinh ra một lượng lớn năng lượng điện từ, trong đó có ánh sáng có thể nhìn thấy và sóng vô tuyến. Chúng sinh ra do các khí rơi vào một lỗ đen ở trung tâm một thiên hà. Điều này xảy ra khi các thiên hà va vào nhau và hợp nhất.
Một chuẩn tinh đơn lẻ có thể sáng gấp hàng ngàn lần một thiên hà với hàng trăm tỷ ngôi sao.
Giáo sư George Djorgovski, đến từ Viện công nghệ California ở Pasadena và các đồng nghiệp đã nghiên cứu và đặt tên cho bộ ba chuẩn tinh này là LBQS 1429-008. Nó đã được phát hiện bởi một nhóm các nhà thiên văn khác vào năm 1989. Khi ấy họ cho rằng nó chỉ có 2 chuẩn tinh.
"Chuẩn tinh là những vật thể cực kỳ hiếm, và việc phát hiện 3 chuẩn tinh như thế là chưa từng xảy ra", giáo sư George Djorgovski nói.
T.VY