Phát hiện hố đen "nuốt chửng" ngôi sao cách Trái đất 4 tỷ năm ánh sáng
Phát hiện này, được công bố ngày 5-12, lần đầu tiên cho thấy có thể quan sát qua kính viễn vọng đến từng chi tiết một hiện tượng bí ẩn trong vũ trụ.
Trong hai năm qua, các nhà khoa học Mỹ đã sử dụng kính thiên văn để theo dõi những hiện tượng kỳ thú trong vũ trụ, và phát hiện một ngôi sao "cư trú" ở dải thiên hà thuộc chòm sao Bootes bị một hố đen khổng lồ xé thành từng mảnh.
Bằng kính viễn vọng "Thăm dò sự phát triển của Dải thiên hà", các nhà khoa học đã phát hiện một luồng sáng cực tím phát ra từ trung tâm của một dải thiên hà hình ê-líp thuộc chòm sao Bootes nằm rất xa. Nhà thiên văn học Suvi Gezari thuộc Viện Công nghệ California ở Pasadena (Mỹ) cho biết trên thực tế, vệt sáng này phát ra từ một ngôi sao bị "xé vụn" và bị nuốt chửng vào một hố đen. Đây là một hiện tượng rất hiếm xảy ra, phải 10.000 năm mới có một ngôi sao bị hố đen nuốt chửng.
Ảnh minh họa cho thấy hố đen khổng lồ "nuốt chửng" một ngôi sao trong dải thiên hà ở cách Trái đất 4 tỷ năm ánh sáng (Ảnh: NASA) |
Các nhà khoa học hy vọng phát hiện này sẽ giúp họ hiểu rõ hơn về hố đen, một vật thể có khối lượng lớn và lực hấp dẫn mạnh đến mức kể cả ánh sáng cũng không thể lọt ra ngoài. Các hố đen khổng lồ thường nằm ở trung tâm của dải thiên hà. Dải Ngân hà, "ngôi nhà" của Hệ Mặt Trời, cũng có một hố đen khổng lồ nằm ở giữa và không hoạt động.
Các nhà khoa học tiếp tục sử dụng kính thiên văn trên để quan sát quá trình luồng sáng cực tím (phát ra từ một ngôi sao) mờ dần đi và biến mất trong hố đen.
Tải file Phát hiện hố đen "nuốt chửng" ngôi sao cách Trái đất 4 tỷ năm ánh sáng tại đây