Tìm kiếm theo cụm từ

  Phát hiện “bão” trên sao Thổ

Tàu thăm dò Cassini của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã phát hiện hiện tượng chưa từng được nhìn thấy trên một hành tinh khác ngoài Trái đất - giống như một cơn bão - ở cực nam sao Thổ.

“Cơn bão” này làm thành một vùng tối bên trong lớp mây dày, sáng. Nó kéo dài trong phạm vi khoảng 8.000 km, tức gấp 2 lần đường kính Trái đất.

Một đoạn băng do camera của Cassini quay được trong 3 giờ đã phát hiện gió xung quanh cực nam sao Thổ thổi theo chiều kim đồng hồ với vận tốc 550 km/g. Camera này cũng phát hiện nó có mắt bão và đầy đủ các đặc điểm của một cơn cuồng phong.

Cơn bão này khác với bão ở Trái đất do nó bị kẹt ở vùng cực và không di chuyển ra xung quanh, còn các đám mây lại nằm bên trên tâm bão 30-70 km, cao hơn 2-5 lần so với mây của các cơn bão ở Trái đất... Một điểm khác nữa là nó hình thành mà không dựa vào các điều kiện ở đại dương như bão ở Trái đất bởi sao Thổ là một hành tinh thể khí.

Hiện các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu về cơn bão này cũng như những thay đổi theo mùa ở vùng cực của sao Thổ nhằm tìm hiểu vai trò của các mùa trong việc giữ cơn bão này ở cực nam.

Mắt bão
(Ảnh: Sciencedaily)

TƯỜNG VY

Tải file Phát hiện “bão” trên sao Thổ tại đây