Chàng sinh viên và giấc mơ chế tạo bao bì từ nấm
Chàng sinh viên Đại học Hoa Sen TP HCM chia sẻ, duyên nợ với nấm bắt nguồn từ vụ mua bán "điên rồ". Chuyện bắt đầu từ tháng 11/2011, khi đang tìm tư liệu ngành nông sản, Lập vô tình đọc được sách về nghề trồng nấm. Đầu tiên là tìm đến Hội khuyến nông TP HCM để xin danh sách các doanh nghiệp trong ngành, sau đó Lập lặn lội xuống tận làng nấm Củ Chi để khảo sát thực tế.
"Vì quá mê, ngay lập tức em nhập 500 cây nấm linh chi về trồng trong phòng mình. Thử nghiệm ngày 20/11/2011, háo hức chờ bán nấm dịp Tết nhưng một tháng sau thì cây chết hàng loạt chỉ còn một nửa", Lập nhớ lại.
Những mẻ nấm từ vụ mua bán được Lâm Vạn Lập
mang về trồng và nghiên cứu trong nhà. (Ảnh: Hà Thanh)
Tuy kế hoạch bước đầu thất bại và bị bạn bè chế giễu tay ngang cũng học đòi làm nông dân, nhưng chàng sinh viên vẫn tiếp tục nghiên cứu. Lập kể, có làm thử mới biết để thành nấm thương phẩm người trồng phải dày công vất vả. Khó nhất là phải điều chỉnh độ ẩm, lượng nước tưới, ánh sáng... Cuối cùng Lập hiểu ra, nấm không ưa nước có lẫn tạp chất, vì tưới nấm bằng nước giếng nên nửa số vốn đầu tư ban đầu của cậu bị tiêu tan.
Trong quá trình trồng và rao bán nấm, Lập được nhiều chuyên gia mách nước, tơ nấm có thể tạo ra bao bì (còn gọi là miếng đệm chống sốc) hữu cơ thân thiện môi trường. Anh đã cùng các cộng sự của mình tìm tài liệu khoa học, thử nghiệm và gửi ý tưởng kinh doanh này đi dự thi. Tham vọng của dự án này là trong vòng 3 năm có thể thuyết phục các công ty Việt Nam sử dụng vật liệu hữu cơ này. Khách hàng tiềm năng gồm các doanh nghiệp sản xuất gốm sứ, gạch men, các hãng sản xuất và cung ứng thiết bị vi tính, vi mạch, các hãng ôtô.
Những tai nấm linh chi do Lập trồng được. (Ảnh: Hà Thanh)
Mong muốn dự án bao bì nấm được nhiều người biết đến, Lập chia sẻ bí quyết làm thử nghiệm loại vật liệu hữu cơ này. Đầu tiên là tìm các phế phẩm nông nghiệp như vỏ thóc, bã mía, mạt cưa, vỏ bông... rồi nghiền nát và trộn lại. Kế đến là hấp khử trùng rồi cho vào khuôn có hình dáng theo nhu cầu. Cuối cùng là cấy tơ nấm. Các sợi mecylium (được xem như bộ rễ của cây nấm) sẽ mọc xung quanh bao phủ toàn bộ số nguyên liệu. Sự liên kết của các sợi mecylium tạo thành hệ thống polyme kitin kết chặt các nguyên vật liệu lại. Trong vòng 5 ngày, bao bì hữu cơ tự hình thành.
Lập phân tích, toàn bộ quá trình sản xuất bao bì hữu cơ không tốn nhiều chi phí cho máy móc, ít hao năng lượng và giá thành làm ra sản phẩm rất thấp. Trong khi đó, sản xuất mút xốp trắng cần dầu mỏ để tạo hạt nhựa EPS. Ở nhiệt độ cao hạt EPS được thổi thành hình dạng mong muốn sẽ cần rất nhiều năng lượng. Một thiết bị gia dụng như tivi, tủ lạnh... cần khối mút xốp trắng khoảng 2kg để đóng gói, tương đương 2 lít xăng.
"Mua hàng được bọc bằng bao bì mút xốp mang về nhà bạn sẽ tháo những miếng đệm ra và vứt đi, giống như ném tiền vào sọt rác. Tuy nhiên, miếng đệm hữu cơ thân thiện và tiết kiệm hơn vì giá rẻ, dễ phân hủy và có thể tái sử dụng", Lập nói.
Lập đang thuyết trình về bao bì hữu cơ làm từ nấm trước ban
giám khảo một cuộc thi ý tưởng kinh doanh. (Ảnh: Hà Thanh)
Nghiên cứu trên nhiều loại nấm, Lập và các cộng sự phát hiện ra nếu dùng tơ nấm linh chi, vật liệu mới này có thể cải thiện vẻ ngoài xù xì của bao bì và nâng thời gian bảo quản lên thành 4 năm. Khi mua một kiện hàng được chống sốc bằng bao bì hữu cơ làm từ nấm, người tiêu dùng không phải tốn công vứt rác nữa. Mọi người có thể để nó sau mảnh vườn nhà mình làm phân bón cho cây cối tươi tốt. Thậm chí, nếu may mắn gia chủ còn có được một vài cây nấm linh chi mọc trong vườn nhà.
Lập ước tính, bao bì nấm sẽ có giá thành rất rẻ vì chi phí nguyên liệu là 0 đồng, giảm áp lực xử lý phế phẩm nông nghiệp, tơ nấm ít tốn kém. Một cơ sở sản xuất bao bì nấm quy mô 390.000 sản phẩm một năm có thể tiết kiệm gần 20 tỷ đồng mỗi năm so với bao bì mút xốp.
Chàng cử nhân quản trị kinh doanh tương lai cho biết đang cùng các cộng sự trồng thử một số loại nấm, tính toán thời gian lan tơ và giá thành để tạo ra một mẻ nấm. Dự án đang ở giai đoạn tìm kiếm chuyên gia trong lĩnh vực cùng ekip thực hiện ý tưởng kinh doanh này. Đây cũng là đề tài tốt nghiệp đại học của Lập. "Em sẽ theo đuổi giấc mơ bao bì nấm đến cùng để không phụ lòng các cộng sự và cố vấn đã ủng hộ, khích lệ mình trong thời gian qua", Lập tâm sự.
Tải file Chàng sinh viên và giấc mơ chế tạo bao bì từ nấm tại đây