Giải pháp để phát triển sản xuất ca cao bền vững
Ngày 14/6, tại tỉnh Bình Phước, Trung tâm khuyến nông quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức diễn đàn khuyến nông lần thứ 3 năm 2012 với chuyên đề “Phát triển sản xuất ca cao bền vững.”
Các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nông và doanh nghiệp đã nêu bật về những thuận lợi, khó khăn trong việc phát triển cây ca cao tại các tỉnh phía Nam.
Đại diện Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã báo cáo về tình hình sản xuất ca cao hiện nay và giải pháp chỉ đạo trong thời gian tới. Trường Đại học Cần Thơ thông tin thêm tổng quan về khoa học kỹ thuật trên cây ca cao và các giải pháp phát triển ca cao bền vững. Công ty Cargill nêu lên thực trạng chất lượng ca cao và các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng ca cao được trồng trên địa bàn các tỉnh phía Nam.
Theo cập nhật chưa đầy đủ của Cục trồng trọt, đến nay tổng diện tích ca cao cả nước đạt 20.100ha, trong đó diện tích trồng thuần khoảng 2.300ha, diện tích trồng xen 17.800ha.
Trong 6 tháng đầu năm 2012, giá thu mua hạt ca cao giảm xuống chỉ còn 40.000 đồng đến 45.000 đồng/kg hạt khô, trong khi giá các loại vật tư nông nghiệp khác tăng cao làm người trồng e ngại đầu tư cho ca cao. Với năng suất trung bình 7 tạ/ha hiện nay thì 1ha ca cao chỉ thu nhập được khoảng 27 đến 28 triệu đồng, chưa trừ chi phí sản xuất. Một số người trồng chỉ bán được 2.500 đến 3.500 đồng/kg trái tươi. Thu nhập của nông dân trồng ca cao ngày càng thấp.
Trước thực trạng trên, Cục trồng trọt đã đưa ra một số giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Trước mắt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần rà soát Quy hoạch phát triển ca cao quốc gia để làm cơ sở cho các địa phương triển khai thực hiện. Các địa phương đánh giá thực trạng trồng ca cao trên địa bàn và có giải pháp chỉ đạo phù hợp, nhất là xác định chủ trương, định hướng quy hoạch, chính sách khuyến khích, chỉ đạo công tác, quảng bá rộng rải các mô hình canh tác ca cao đạt hiệu quả để nông dân học tập.
Trung tâm khuyến nông tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật hướng dẫn trồng mới, chăm sóc vườn cây đúng qui trình kỹ thuật, đặc biệt là chọn giống, cơ cấu các dòng, chế độ bón phân, tưới nước, tỉa cành tạo tán, phòng trừ sâu bệnh.
Ngành nông nghiệp cần quản lý chặt chẽ công tác sản xuất giống, kiểm tra chất lượng cây giống xuất vườn cho trồng mới hiện nay. Cơ quan chức năng cần chỉ đạo mạnh công tác quản lý chất lượng, khuyến cáo nông dân không thu hoạch ca cao khi chưa đủ độ chín, không trộn lẫn ca cao sâu bệnh, thực hiện lên men đúng quy trình; hướng dẫn và kiểm tra các điểm thu mua sơ chế lên men ca cao để đảm bảo chất lượng hạt ca cao lên men. Các doanh nghiệp không tiêu thụ ca cao không đảm bảo chất lượng.
Về lâu dài, việc phát triển cây cao ở các tỉnh phía Nam cần thực hiện 9 giải pháp, trong đó, giải quan trọng nhất được các đại biểu dự diễn đàn thống nhất cao là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần thành lập Trung tâm nghiên cứu phát triển ca cao làm đầu mối tập trung công tác nghiên cứu và phát triển ngành ca cao Việt Nam.
Bộ cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các vấn đề kỹ thuật cho trồng mới, trồng thuần và trồng xen, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, sơ chế lên men và bảo quản ca cao.
Bộ tăng cường đầu tư công tác chọn tạo công nhận các dòng ca cao có năng suất, chất lượng tốt và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu để sớm bổ sung giống mới cho sản xuất, tổ chức tốt các liên kết đầu tư vùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm ca cao giữa doanh nghiệp và nông dân; tiến tới phát triển công nghiệp chế biến ca cao trong nước để thúc đẩy trồng ca cao trở thành một cây công nghiệp mũi nhọn mới ở Việt Nam.
Tải file Giải pháp để phát triển sản xuất ca cao bền vững tại đây