Cỗ máy lớn nhất hành tinh bị kiện
Large Hadron Collider (LHC), có trị giá tới 6,2 tỷ USD của Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử châu Âu, là cỗ máy gia tốc hạt hiện đại nhất và lớn nhất thế giới hiện nay. Nó được thiết kế để tạo ra va chạm trực diện giữa các tia proton (một trong những loại hạt cơ bản) với động năng cực lớn. Chiếc máy nằm trong một đường hầm nằm ở độ sâu 100m dưới mặt đất ở khu vực biên giới giữa Pháp và Thụy Sĩ. Đường hầm có đường kính 3,8m, có cấu trúc bê tông và được xây dựng từ năm 1983 đến 1988.
Nhiệm vụ chính của máy gia tốc hạt lớn là tạo ra những điều kiện ban đầu giống như thời kỳ vũ trụ mới hình thành để tìm hiểu chi tiết sự hình thành của vật chất. Vì thế mà nó được mệnh danh là "cỗ máy tạo hóa". (Ảnh: Wired)
Song nhiều người lo ngại LHC có thể tạo ra các hố đen siêu nhỏ - dạng vật chất có khả năng hủy diệt trái đất. Vì thế họ kêu gọi Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử châu Âu (CERN) ngừng vận hành cỗ máy. Mới đây, một phụ nữ tại thành phố Muenster, Đức đã đệ đơn lên tòa án hành chính tại Đức và Thụy Sĩ để biến lời kêu gọi thành hiện thực, Physorg đưa tin.
"Dựa vào những báo cáo an toàn của CERN từ năm 2003 tới 2008, chúng tôi kết luận rằng máy gia tốc hạt lớn LHC không thể gây nên bất kỳ mối họa nào trên phương diện khoa học", tòa án hành chính tại thành phố Muenster tuyên bố.
Một tòa án hành chính tại Thụy Sĩ cũng đưa ra phán quyết tương tự đối với đơn kiện của người phụ nữ Đức.
Các chuyên gia khẳng định LHC không thể tạo ra hố đen. Trong trường hợp nó tạo ra hố đen siêu nhỏ, chúng sẽ chỉ tồn tại trong khoảng thời gian từ một phần nghìn tỷ tới một phần triệu giây rồi biến mất. Trong khoảng thời gian vô cùng ngắn đó, các hố đen siêu nhỏ không thể gây nên bất kỳ tác động nào.
Vào tháng 7 vừa rồi, CERN gây chấn động thế giới khi họ công bố một loại hạt có các tính chất giống hạt Higgs, hay còn được gọi là "hạt của Chúa". CERN cho biết, các nhà vật lý của họ đã phát hiện một loại hạt mới nhờ hai thử nghiệm trong máy gia tốc hạt LHC.