Xử lý ô nhiễm nông thôn bằng chế phẩm sinh học
Đặc biệt, việc sử dụng chế phẩm sinh học sẽ giúp người dân hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn.
Mô hình triển khai thí điểm từ tháng 9/2012 tại ba xã là An Đạo (huyện Phù Ninh), xã Kinh Kệ (huyện Lâm Thao) và xã Thượng Nông (huyện Tam Nông). Theo đó, mỗi hộ tham gia được cấp miễn phí 0,5kg men Emuniv dạng bột, kèm 1 lít men Emic dạng lỏng và được các cán bộ Trạm bảo vệ thực vật huyện hướng dẫn kỹ thuật phun và nhân nuôi chế phẩm để sử dụng trên diện tích rộng và lâu dài. Kết quả cho thấy, chế phẩm có tác dụng tạo ra quá trình phân hủy chất hữu cơ, không tạo ra mùi hôi, vi khuẩn có lợi ức chế vi khuẩn có hại.
Xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học
Ngoài việc khử mùi hôi thối cho gia súc gia cầm, chế phẩm còn có tác dụng làm tăng sức khỏe vật nuôi, tăng sức đề kháng và khả năng chống chịu với các điều kiện ngoại cảnh. Khi phối trộn một liều lượng nhỏ vào thức ăn của gia súc, gia cầm có tác dụng tăng cường khả năng tiêu hóa và hấp thu các loại thức ăn, kích thích khả năng sinh sản, tăng sản lượng và chất lượng trong chăn nuôi, tiêu diệt các vi sinh vật có hại.
Đối với môi trường, chế phẩm có tác dụng tiêu diệt các vi sinh vật gây mùi thối, nên khi phun vào bãi rác, cống rãnh, chuồng trại chăn nuôi có tác dụng khử mùi hôi một cách nhanh chóng; đồng thời số lượng ruồi muỗi, ve, côn trùng giảm hẳn. Chế phẩm có thể giúp cho hệ vi sinh vật tiết ra các enzim phân hủy có khả năng phân hủy các hóa chất nông nghiệp tồn dư, môi trường được cải thiện.
Ông Lê Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Thọ, cho biết Chi cục sẽ nhân rộng mô hình xử lý ô nhiễm môi trường nông thôn bằng chế phẩm sinh học cho các huyện, thị, thành trong tỉnh. Ngoài ra, nông dân có thể phun phế phẩm này vào rơm, rạ ủ đống sau khi thu hoạch lúa, sau một thời gian ngắn sẽ có được nguồn phân hữu cơ giàu dinh dưỡng.
Tải file Xử lý ô nhiễm nông thôn bằng chế phẩm sinh học tại đây