Khói xe hơi làm tăng nguy cơ tự kỷ
Heather Volk, một nhà nghiên cứu về bệnh dịch liên quan tới môi trường của Đại học Southern California tại Mỹ, cùng các đồng nghiệp theo dõi 524 trẻ từ 2 tới 5 tuổi tại Sacramento, Los Angeles và San Francisco bang California để tìm hiểu mối quan hệ giữa khói xe cơ giới và chứng tự kỷ, Livescience đưa tin.
Khói từ phương tiện cơ giới chứa những hạt muội siêu nhỏ.
Chúng bay lơ lửng trong không khí và có thể chui vào phổi.
Nhóm nghiên cứu sử dụng địa chỉ nhà riêng của những đứa trẻ để đánh giá mức độ phơi nhiễm khói xe của trẻ trong thời kỳ mang thai và năm đầu tiên sau khi chúng chào đời. Họ cũng thu thập dữ liệu tại các trạm giám sát ô nhiễm không khí và những trường hợp trẻ tự kỷ tại ba thành phố.
Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ cho biết, khói xe chứa những hạt muội siêu nhỏ. Những hạt muội đó bay lơ lửng trong không khí và có thể chui vào phổi của người.
Kết quả cho thấy mật độ hạt muội siêu nhỏ trong không khí càng cao thì nguy cơ mắc hội chứng tự kỷ của trẻ càng lớn. Chẳng hạn, những trẻ sống trong khu vực có mật độ hạt muội trong không khí ở mức 32 phần tỷ đối mặt với nguy cơ mắc chứng tự kỷ cao hơn hẳn so với những trẻ sống trong khu vực có mật độ ở mức từ 10 phần tỷ trở xuống.
Mức độ phơi nhiễm hạt muội của một người sống cách đường tối thiểu 500m chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3 so với những người sống sát đường.
Volk nhấn mạnh rằng chất lượng không khí không phản ánh mật độ hạt muội từ khói xe trong không khí. Vì thế nguy cơ mắc chứng tự kỷ của những trẻ sống trong khu vực có chất lượng không khí tốt vẫn có thể tăng.